Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), thông tin trong năm 2015, Campuchia đã vượt Việt Nam để vươn lên vị trí thứ 5 trong nhóm các thị trường xuất khẩu dệt may nhiều nhất vào EU là chưa chính xác.
Vitas lập luận rằng, tính tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU28 (28 nước thành viên EU) thì Việt Nam vẫn duy trì kim ngạch xuất khẩu cao hơn Campuchia, đặc biệt là hiện tại Campuchia vẫn hưởng thuế suất ưu đãi 0% theo chương trình Everything But Arms (EBA) – GSP của EU dành cho nước Least Developed Country, trong khi Việt Nam chỉ được hưởng GSP cho Developing Country với thuế suất 9,6%.
Cụ thể, năm 2014, tổng nhập khẩu hàng dệt may (HS 50-63) của EU28 từ Việt Nam là 2,53 tỷ Euro, tăng trưởng 21,31%.
Năm 2015, EU nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam là 3,13 tỷ Euro, tăng trưởng 23,91%. Trong khi đó, tổng nhập khẩu hàng dệt may (HS 50-63) của EU28 từ Campuchia trong năm 2014 là 2,26 tỷ Euro, tăng trưởng 27,19%, đến 2015 là 2,97 tỷ Euro, tăng trưởng 31,64%.
Nhìn vào số liệu thống kê xuất khẩu, có thể thấy, dù Việt Nam vượt Cạmpuchia về xuất khẩu sang EU, nhưng khoảng cách là không đáng kể.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Campuchia vào EU28 cao hơn Việt Nam do ưu thế về thuế GSP, song trong 2 năm 2014-2015, tốc độ xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc so với thời kỳ 2012-2013.
Vitas khẳng định, trong thời gian tới, không loại trừ khả năng trong ngắn hạn kim ngạch xuất khẩu dệt may của Campuchia vào EU28 sẽ có thời điểm vươn lên xấp xỉ kim ngạch của Việt Nam, song về trung hạn, xét tiềm lực của ngành dệt may 2 nước cũng như việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ được ký kết, phê chuẩn và có hiệu lực, thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào EU28 chắc chắn sẽ vượt trội so với Campuchia, hướng tới những đối thủ cạnh tranh lớn hơn như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, và Trung Quốc.