Đã qua thời hoàng kim...
Kể từ năm 2018, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá (183,36%) và thuế chống trợ cấp (từ 22 - 194,9%) đối với các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc. Điều này đã thúc đẩy thị trường Mỹ nhập khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) từ thị trường Việt Nam. Tính đến năm 2021, kinh ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam sang Mỹ đã tăng từ 3,6 tỷ USD lên 8,8 tỷ USD, mức tăng trưởng kép chạm ngưỡng 25%.
Trong đó, năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam sang Mỹ vẫn đạt 14,12 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2020. Mỹ giữ vững ngôi vị thị trường xuất khẩu số 1 của ngành gỗ Việt Nam, với kim ngạch từ thị trường này đạt 8,8 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ.
Sang năm 2022, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu G&SPG của Việt Nam sang thị trường Mỹ tính đến hết tháng 8 là hơn 6,2 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành gỗ.
... vì doanh thu mua nhà suy giảm
Từ đầu năm 2022 đến nay, doanh số bán nhà tại Mỹ đã có 6 tháng suy giảm liên tiếp, từ 6,5 triệu USD trong tháng 1 xuống 4,81 triệu USD trong tháng 7, mức thấp kỷ lục trong hơn 6 năm qua. Sự suy giảm doanh số bán nhà này bắt nguồn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát (lạm phát tháng 6, 7, 8/2022 lần lượt là 9,1%, 8,5%, 8,3% so với cùng kỳ).
Lãi suất cơ bản đồng USD từ mức 0 - 0,25%/năm dần được nâng lên 2,25 - 2,5%/năm vào tháng 7 và ngày 21/9 nâng lên 3 - 3,25%/năm, gián tiếp đẩy lãi suất tín chấp mua nhà lên cao (tạo đỉnh 5,8%/năm khi vay mua nhà trong 30 năm). Áp lực chi phí lãi vay trong khi giá nhà duy trì ở mức cao khiến doanh thu mua nhà suy giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu về các sản phẩm gỗ nội thất.
Quan điểm của Fed là tiếp tục tăng lãi suất để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%/năm, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và nguy cơ kinh tế suy thoái trong ngắn hạn. Trong quý cuối năm 2022, Fed dự kiến có thêm 2 lần nâng lãi suất, lần lượt là 0,75% và 0,5%, tức lãi suất sẽ đạt 4,25 - 4,5%/năm.
Cơ hội tập trung vào các doanh nghiệp lớn
Hiện Công ty cổ phần Phú Tài (mã chứng khoán PTB) và Công ty cổ phần Gỗ An Cường (mã chứng khoán ACG) là hai doanh nghiệp ngành gỗ có quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán. Cả hai doanh nghiệp đều lấy thị trường Mỹ làm trọng tâm trong chiến lược xuất khẩu.
Năm 2021, doanh thu từ mảng gỗ của Phú Tài tăng trưởng mạnh, chiếm 53% tổng doanh thu. Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 7.250 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 790 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 21% so với năm 2021, với kỳ vọng doanh thu từ mảng gỗ tiếp tục tăng nhờ các hiệp định thương mại tự do và nhu cầu đồ gỗ nội thất cao tại Mỹ.
Thực tế, nửa đầu năm 2022, Phú Tài đạt doanh thu 3.617 tỷ đồng, tăng 20%, trong đó có 1.948 tỷ đồng từ mảng kinh doanh gỗ, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, doanh thu xuất khẩu gỗ đạt 1.710 tỷ đồng, chiếm 47,87% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 296 tỷ đồng, tăng 33,3% so với cùng kỳ.
Gỗ An Cường tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa nên doanh thu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 306 tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng doanh thu. Mỹ và Canada là hai thị trường xuất khẩu chính của Công ty, trong đó, thị trường Mỹ chiếm 51% doanh thu xuất khẩu.
Đầu tháng 7/2022, Gỗ An Cường đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với Sumitomo Forestry America - tập đoàn bất động sản có giá trị vốn hóa hơn 3 tỷ USD của Mỹ. Theo đó, Gỗ An Cường sẽ trở thành nguồn cung chiến lược duy nhất của tập đoàn này tại thị trường Mỹ. Hợp đồng hợp tác được kỳ vọng sẽ đóng góp từ 20 - 30 triệu USD doanh thu cho Công ty mỗi năm.
Nhìn lại kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022, Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu 1.914 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận sau thuế 279 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp đạt 29,2%; biên lợi nhuận gộp xuất khẩu tăng từ 5,4% lên 9%.
Doanh thu của Gỗ An Cường có khả năng tăng nhanh trong nửa cuối năm 2022, do nửa cuối năm thường là mùa cao điểm của Công ty, trong khi nhiều dự án của các khách hàng doanh nghiệp lâu năm như Vinhomes, Novaland, Keppel Land, Nam Long… đang trong quá trình hoàn thiện, giúp đơn đặt hàng nội thất trong nước tăng cao.
Đáng lưu ý, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đang điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại với một số sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, việc này được nhận định sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu G&SPG sang Mỹ trong những tháng cuối năm 2022.
Tuy nhiên, DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà nhập khẩu Mỹ tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp lẩn tránh, nhưng không áp dụng đối với các doanh nghiệp mà cơ quan này đánh giá là không cung cấp thông tin hoặc hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác theo yêu cầu trong quá trình điều tra. Theo đó, các doanh nghiệp lớn có thể duy trì được hoạt động xuất khẩu gỗ.