Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu có 29 nước và vùng lãnh thổ.
Lượng gạo xuất khẩu đứng thứ hai thế giới
Xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm nay đạt gần 4,8 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới (sau Ấn Độ) và cao nhất so với cùng kỳ. So với cùng kỳ năm trước, lượng gạo xuất khẩu tăng tới 20,7% - tốc độ tăng hiếm thấy.
Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu có 29 nước và vùng lãnh thổ, trải khắp các châu lục, đông nhất là châu Á, châu Âu. Trong đó, có 24 thị trường đạt trên 1.000 tấn; 14 thị trường đạt trên 10.000 tấn; 5 thị trường đạt trên 100.000 tấn. Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (2.288.400 tấn).
Giá gạo xuất khẩu trung bình trong 8 tháng đạt trên 486,5 USD/tấn, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (534,3 USD), nhưng vẫn thuộc loại cao so với nhiều năm trước.
Lượng xuất khẩu tăng cao, nhưng do giá xuất khẩu giảm, nên kim ngạch xuất khẩu tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng về lượng (9,9% so với 20,7%). Trong 29 thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, có 21 thị trường đạt trên 1 triệu USD, trong đó có 13 thị trường đạt trên 10 triệu USD. Đặc biệt, có 5 thị trường đạt trên 100 triệu USD (lớn nhất là Philippines với 1,063 tỷ USD.
Lượng xuất khẩu gạo cả năm ước đạt khoảng 7,5 triệu tấn và giả sử giá xuất khẩu bằng với mức bình quân 8 tháng (486,5 USD/tấn), thì kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm sẽ đạt trên 3,6 tỷ USD. Đây là mức cao thứ 3 từ trước đến nay, chỉ sau năm 2011 (đạt 3,66 tỷ USD) và năm 2012 (đạt 3,67 tỷ USD).
Những vấn đề đặt ra
Vấn đề lớn nhất đối với xuất khẩu gạo kỳ này là giá xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu thấp, trong khi lạm phát trên toàn cầu thuộc loại cao với tốc độ tăng chung cao gấp 2-3 lần cùng kỳ năm trước và cao nhất trong mấy chục năm.
Giá xuất khẩu giảm do nhịp độ xuất khẩu có phần ngược chiều so với Thái Lan - khi giá còn thấp thì họ hãm tiến độ xuất khẩu. Có một phần gạo chất lượng cao chưa nhiều, việc bảo vệ thương hiệu còn yếu. Có một phần do các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới (như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Paskistan…) còn thiếu sự liên kết thành hiệp hội xuất khẩu gạo để có giá hợp lý, vừa tránh cạnh tranh hạ giá, vừa hạn chế sự chèn ép của các thị trường nhập khẩu.
Theo dự báo, số người thiếu ăn trên toàn cầu sẽ tăng cao, biến đổi khí hậu còn diễn biến phức tạp, Ấn Độ giảm lượng xuất khẩu bằng cách đánh thuế một số loại gạo xuất khẩu để bảo đảm nguồn cung trong nước (do sản lượng giảm). Việc này có thể làm lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm 25% trong những tháng tới.
Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng do sản lượng lúa ở trong nước năm 2021 đạt 43,853 triệu tấn, tăng 2,5% (hay tăng gần 1,1 triệu tấn so với năm trước…).
Về thị trường, do ảnh hưởng của việc Ấn Độ đánh thuế, hạn chế xuất khẩu gạo, nên một số nước châu Phi, Trung Quốc có thể tăng nhập khẩu gạo của Việt Nam, Thái Lan… Trong 8 tháng năm nay, lượng gạo xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước ở 18 thị trường (tăng mạnh nhất là Philippines với 754.000 tấn). Tuy nhiên, cũng có 11 thị trường bị giảm, trong đó giảm nhiều nhất là Trung Quốc (giảm 213.400 tấn).
Một vấn đề cần lưu ý khác là Việt Nam ở gần những nước có dân số đông, có nhu cầu ăn gạo nhiều, lại đang cơ cấu lại nền kinh tế với xu hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp - thủy sản, giảm diện tích lúa gạo, đẩy mạnh công nghiệp, dịch vụ… Ngoài ra, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp, nhất là cây lúa, nên càng làm cho lúa gạo có vai trò quan trọng.