Chuỗi cung ứng đứt gãy
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và việc triển khai giãn cách xã hội trên diện rộng đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các mắt xích trong chuỗi cung ứng lúa gạo. Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước, đang bước vào cao điểm thu hoạch vụ Hè - Thu, nhưng hoạt động thu hoạch gặp khó khăn lớn do thiếu hụt trầm trọng thợ gặt, người đi thu mua lúa và bốc vác xuống ghe.
Các ghe vận chuyển lúa không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Vận chuyển lúa tươi từ ruộng đến nhà máy sấy khô bị ách tắc không những ảnh hưởng đến sản lượng chế biến gạo của các nhà máy, xa hơn là tiến độ thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký với đối tác và cả chất lượng gạo thành phẩm.
Một số nhà máy tổ chức hoạt động “3 tại chỗ”, nhưng công suất giảm hẳn, chỉ duy trì được 50% công suất trở xuống do thiếu hụt nhân công. Thậm chí, một số nhà máy, kho có ca nhiễm Covid-19 bị áp dụng biện pháp phong toả, tạm ngừng hoạt động.
Trong khâu xuất khẩu, việc bến 125 tại Tân Cảng Cát Lái - một trong những bến xuất gạo bằng container chính của khu vực TP.HCM - đã ngừng hoạt động gần 1 tháng nay khiến thương nhân phải đưa container về đóng tại kho, trên sà lan, tiến độ giao hàng bị chậm trễ, hãng tàu phạt, chi phí gia tăng. Khâu vận chuyển từ nhà máy đến các cảng xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, thị trường thiếu hụt nghiêm trọng tài xế xe tải/container, tài công ghe, sà lan vận chuyển gạo hàng hóa từ nhà máy chế biến ra cảng. Tại một số địa phương, tài công ghe thương lái hoặc tài xế lái máy gặt đập liên hợp được yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, tuy nhiên, giấy xác nhận này chỉ có hiệu lực trong vòng 72 giờ.
Ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (mã chứng khoán AGM) cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Louis và AGM cũng không ngoại lệ. Giá cước vận chuyển trong nước và quốc tế tăng cao, tình trạng thiếu container trầm trọng đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp và gây khó khăn cho việc đáp ứng tiến độ giao hàng cho đối tác xuất khẩu”.
Tháng này, Intimex phải xuất khẩu gần 120.000 tấn gạo, nhưng bên vận chuyển báo cáo khả năng đi hàng tối đa chỉ được 30.000 - 35.000 tấn”
Thông tin được ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex tiết lộ, “nếu tính cả số lượng đơn hàng bị hủy từ tháng trước dồn sang tháng này, Intimex phải xuất khẩu gần 120.000 tấn gạo, nhưng bên vận chuyển báo cáo khả năng đi hàng tối đa chỉ được 30.000 - 35.000 tấn do các cảng đang thiếu công nhân làm việc do phải thực hiện chỉ thị về giãn cách xã hội. Đơn hàng xuất đi châu Phi của Công ty không có tàu lớn nhận hàng do lo ngại dịch bệnh”.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo khó khăn nhiều bề
Sức cầu của thị trường xuất khẩu cũng như giá bán tốt hơn hẳn năm ngoái. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được gần 3,5 triệu tấn gạo, trị giá 1,88 tỷ USD, giảm 12,69% về sản lượng và giảm 3,1% về giá trị. Đứt gãy chuỗi cung ứng chính là lý do khiến sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo sụt giảm so với cùng kỳ.
Theo Bộ Công Thương, hiện nhiều thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển.
Bên cạnh đó, giá cước vận tải vẫn trong xu hướng tăng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và đối tác xuất khẩu gặp rủi ro gia tăng chi phí.
Tình trạng này nếu tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu chung của ngành và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào tay các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ.
Ông Phan Xuân Quế, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết, dù Vinafood 1 đã làm việc với các địa phương về vấn đề lưu thông hàng hóa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua lúa cho bà con nông dân, nhưng đến nay vẫn còn nhiều khó khăn.
Giá bình quân lúa tươi thu mua của bà con đã giảm từ 6.200 đồng/kg hồi 1/5/2021 xuống còn 4.700 đồng/kg ngày 5/8/2021, tương ứng giảm 24%, lo ngại người dân bỏ ruộng hoặc chậm xuống giống lúa vụ 3 sẽ tác động xấu đến vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Doanh nghiệp cũng lo ngại không đáp ứng đủ đơn hàng cho đối tác.
Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu gạo, mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất gói giải pháp toàn diện. Bộ này cho rằng, việc khơi thông dòng chảy chuyên chở sẽ góp phần đáng kể giúp các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu.
Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương liên quan sớm xây dựng và báo cáo phương án “luồng xanh” cho vận tải đường thủy, đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 nhưng giải tỏa được ách tắc hiện nay.
Đồng thời, Bộ Công Thương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm thu mua.
Về vấn đề liên quan bến cảng, theo Bộ Công Thương, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cần sớm mở lại tất cả các mảng đóng rút gạo trong thời gian sớm nhất nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc container xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh ngành logistic phải công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container cũng như có sự điều chỉnh giá cước vận chuyển về mức hợp lý để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp được thuận lợi hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay.
Nhận định về ngành xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong năm nay, Công ty Chứng khoán FPTS kỳ vọng, giá trị xuất khẩu sẽ tăng trưởng ở mức 1,6% so với năm 2020. FPTS cho rằng, giá gạo thế giới tiếp tục ở mức cao, tăng trưởng xuất khẩu ở cả thị trường truyền thống và các thị trường mới, đặc biệt là cơ hội xuất khẩu gạo cao cấp đem lại giá trị gia tăng cao từ các hiệp định thương mại.
Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự kiến, cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,0 - 6,2 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt khoảng 3,325 tỷ USD.
Dù có những dự báo tăng trưởng khá tốt về giá trị xuất khẩu, nhưng việc đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí logistics tăng vọt đang là thách thức lớn của các nhà xuất khẩu gạo trong việc giải bài toán hiệu quả hoạt động. Được biết, chi phí thuê một container đi Mỹ, châu Âu lên tới 15.000 USD, cao hơn cả giá trị gạo trong đó!