Xuất khẩu gạo cán đích thành công

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu gạo đã có một năm thành công khi xuất bán 6,24 triệu tấn, thu về gần 3,29 tỷ USD, giá xuất khẩu tăng thêm 5,5% so với năm 2020.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có 1 năm thành công và nhiều khả năng duy trì thứ hạng tốt trong năm 2022. Ảnh: Đức Thanh

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có 1 năm thành công và nhiều khả năng duy trì thứ hạng tốt trong năm 2022. Ảnh: Đức Thanh

Giá gạo đạt mức cao

Đặt mục tiêu xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 3,2 tỷ USD, trong hành trình của năm 2021, có thời điểm tưởng chừng ngành gạo sẽ khó chạm tới những con số này. Đó là quý III/2021, khi các tỉnh, thành phố phía Nam oằn mình chống dịch, đặc biệt khu vực các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Bạc Liêu, Long An…, vốn là vựa lúa lớn nhất cả nước thực hiện giãn cách xã hội, đi lại bị hạn chế, thiếu nhân lực bốc xếp hàng hóa, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nhưng không thể giao cho khách đúng hẹn, rồi tình trạng khan hiếm container rỗng làm gián đoạn xuất khẩu.

Sự sụt giảm xuất khẩu trong quý III, nhất là tháng 7 và 8 đã kéo kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm sụt giảm cả khối lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020, đạt lần lượt 4,57 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,42 tỷ USD, giảm 8,3% về khối lượng, giảm 1,2% về trị giá.

Nhưng từ đầu tháng 10/2021, khi các tỉnh phía Nam mở cửa trở lại, cộng với Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, sản xuất, xuất khẩu đã được nối lại nhanh hơn dự kiến, từ đó góp phần vào bức tranh xuất khẩu gạo cả năm 2021 với 6,24 triệu tấn, thu về 3,29 tỷ USD.

Cái được lớn nhất là trong khó khăn phải cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ, nhưng gạo Việt vẫn có được giá tốt và so với năm trước, giá xuất khẩu đã tăng 5,5%, phần nào bù đắp cho chi phí vật tư nông nghiệp tăng “phi mã” trong năm qua.

Sản lượng lúa năm 2021 đạt 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với 2020, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 526,8 USD/tấn.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong các tháng cuối năm 2021, giá gạo Việt Nam luôn duy trì ở mức cao hơn các nước khác. Điển hình như ngày 1/12, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 415 USD/tấn, trong khi Thái Lan ở mức 381 USD/tấn, còn Ấn Độ và Pakistan có giá lần lượt là 348 USD/tấn và 353 USD/tấn.

Các doanh nghiệp tiếp tục giữ gôn tại các thị trường chủ lực như Philippines, Trung Quốc, Gana và bước đầu khai thác đơn hàng tại EU, tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA để ký các đơn hàng gạo với giá cao. Đơn cử, với thị trường Philippines, ngành gạo đã xuất khẩu 2,45 triệu tấn, trị giá trên 1,25 tỷ USD, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về trị giá. Năm qua, giá gạo xuất bán sang Philippines trung bình 509,7 USD/tấn, tăng 7,1% về giá so với năm 2020, chiếm 39,4% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc năm 2021 đạt 1,06 triệu tấn, trị giá 523 triệu USD, tăng lần lượt 30,6% và 12,9%. Thị trường này đang chiếm 17% trong tổng lượng và chiếm 15,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Lượng gạo xuất sang thị trường Gana tăng 29,8% về lượng và tăng 39,4% về trị giá so với năm 2020, đạt 678.000 tấn, tương đương 393,63 triệu USD, với giá xuất khẩu khá cao là 580,2 USD/tấn.

Dự báo xuất khẩu gạo vẫn duy trì thứ hạng tốt

Xuất khẩu gạo trong năm 2022 được dự báo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng (tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện). Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA cho rằng, dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn. Mục tiêu này đang đi đúng trọng tâm của ngành lúa là giảm sản lượng xuất khẩu và tăng giá trị nhờ vào các chủng loại gạo chất lượng cao, giá cao, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu.

Đơn cử, với thị trường EU, tận dụng EVFTA và khẩu vị của khách hàng, các doanh nghiệp đã xuất khẩu gạo thơm chất lượng cao với giá tốt. Năm 2021, xuất khẩu gạo sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong 10 nguồn cung gạo ngoại khối lớn cho EU, gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt mức tăng giá mạnh nhất, tăng 20,3%, đạt trung bình 781 USD/tấn.

Giá gạo Việt Nam tăng do đơn hàng từ các nước nhập khẩu gạo truyền thống đang có nhu cầu trở lại. Đặc biệt, nguồn cung gạo từ Ấn Độ bị ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi.

Ngay đầu tháng 1/2022, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu 11.111 tấn gạo lứt cho đối tác Hàn Quốc. Việc đơn hàng được thực hiện ngay đầu năm 2022 là tín hiệu khả quan, mở đầu cho một năm xuất khẩu bận rộn, tập trung vào gạo chất lượng cao, mang về giá trị lớn.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa đưa ra dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2022 đạt 48,8 triệu tấn, tăng khoảng 100.000 tấn so với năm trước. Trong đó, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 đạt 6,4 triệu tấn; Thái Lan đạt 6,5 triệu tấn, bằng năm 2021.

“Nhiều quốc gia tiêu thụ gạo lớn, trong đó có Trung Quốc tiếp tục tăng dự trữ gạo, tăng nhập khẩu từ nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Nhu cầu lương thực gia tăng do lo ngại dịch bệnh thúc đẩy giá gạo tăng”, USDA nhận định.

Tuy nhiên, rủi ro trong thương mại gạo quốc tế trong năm 2022 là tình trạng thiếu container rỗng và chi phí vận tải biển vẫn duy trì ở mức cao, khó thuê tàu, tình trạng hoãn, hủy chuyến tăng… sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp, “ăn mòn” lợi nhuận, đòi hỏi doanh nghiệp phải có kế hoạch thuê tàu sớm.

Tin bài liên quan