Xuất khẩu gạo bật tăng kỷ lục, trên 700.000 tấn trong tháng 10/2022

0:00 / 0:00
0:00
Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 713.546 tấn, trị giá 341 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9/2022.
Gạo Việt Nam tại hệ thống bán lẻ của Pháp.

Gạo Việt Nam tại hệ thống bán lẻ của Pháp.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2022 đã lập kỷ lục, với sản lượng 713.546 tấn, trị giá 341 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9/2022.

Tính chung 10 tháng đầu năm lượng gạo xuất khẩu ước đạt hơn 6 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 3 tỷ USD, tăng hơn 17% về khối lượng và hơn 7% về giá trị so với cùng 10 tháng đầu năm 2021. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu trung bình 10 tháng năm 2022 là hơn 600.000 tấn/tháng, giá gạo bình quân ước đạt 484 USD/tấn.

Tháng 10/2022 đã trở thành tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo nước ta. Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt, bên cạnh đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo 100% và đánh thuế gạo trắng 20% là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Sau 10 tháng, với lượng xuất khẩu ước đạt 6,074 triệu tấn, ngành gạo đã thực hiện được hơn 90% sản lượng xuất khẩu đề ra (mục tiêu 6,3 triệu tấn).

Nhu cầu nhập khẩu gạo tại nhiều thị trường vẫn tiếp tục tăng cao trong các tháng cuối năm sẽ tạo dư địa để ngành gạo vượt mục tiêu xuất khẩu. Ước tính, nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng còn lại của năm, xuất khẩu toàn ngành gạo trong năm nay có thể đạt 6,8 đến 7 triệu tấn.

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), với bối cảnh thuận lợi cho ngành gạo trong thương mại quốc tế và nhu cầu nội địa được thúc đẩy cuối năm, xu hướng tăng giá có thể còn kéo dài đến hết năm nay.

Ngành gạo những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao. Hiện tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%, nhờ đó gia tăng được sản lượng gạo có giá trị cao sang các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Tin bài liên quan