Xuất khẩu đón sóng phục hồi cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
Nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất được đẩy mạnh trong những tháng gần đây, kinh tế, thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt hơn, là cơ sở cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa thời gian tiếp tục tăng cao.
Sản xuất và thương mại 6 tháng cuối năm dự báo tiếp tục sôi động.

Sản xuất và thương mại 6 tháng cuối năm dự báo tiếp tục sôi động.

Chặng đường nửa đầu năm 2024 đã đi qua với những dấu ấn khởi sắc về tình hình sản xuất và thương mại hàng hóa, nhờ đó, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 370 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%.

Tại báo cáo sản xuất công nghiệp thương mại 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm, Bộ Công thương nhận định: "Đang có những yếu tố thuận lợi từ bối cảnh quốc tế và trong nước để thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại 6 tháng cuối năm".

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kinh tế, thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt hơn vào năm 2025. Khối lượng thương mại hàng hóa thế giới tăng trưởng 2,6% năm 2024 và 3,3% năm 2025.

Xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm 2024, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III/2024).

Ở trong nước, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất được đẩy mạnh trong những tháng gần đây cho thấy hoạt động xuất khẩu hàng hóa thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao.

Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ghi nhận tín hiệu tích cực khi có tới 88,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch ước đạt 158,2 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2023.

"Đây là tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao", Báo cáo nêu.

Trong đó, riêng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 48,8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 27,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; đồng thời, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 22,3 tỷ USD, tăng 14,6%.

Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao ở mức hai con số như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 21,9%; thép các loại tăng 24%; dây điện và cáp điện tăng 30%; chất dẻo nguyên liệu tăng 14,7%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 17,5%; vải các loại tăng 10,8%...

Hoạt động xuất khẩu còn được hỗ trợ bởi các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng; Giá nhóm hàng lương thực có thể tiếp tục tăng và giữ ở mức cao, thuận lợi cho xuất khẩu nông sản và lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Theo chu kỳ, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thị trường thế giới trong những dịp cuối năm; Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng từ Mỹ và có nhiều lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc.

Lưu ý cho các ngành hàng xuất khẩu, Bộ này cho biết, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Thêm đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (giày dép, điện thoại các loại và linh kiện) mặc dù phục hồi tích cực song vẫn chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, cà phê… tăng mạnh tuy giúp tăng giá trị xuất khẩu nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung vì tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, nhà cung cấp chưa cao (xuất hiện tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu gạo bỏ giá đấu thầu tại nước ngoài thấp hơn giá bán trong nước).

Tin bài liên quan