Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết hoạt động ngành điều năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 chiều 7/1 tại TP.HCM, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu nhân điều của Việt Nam chỉ đạt giá trị 3,07 tỷ USD, chưa đạt mục tiêu 3,2 tỷ USD dù trước đó đã giảm khoảng 600 triệu USD so với mục tiêu ban đầu là 3,8 tỷ USD.
Nguyên nhân được cho là bởi ảnh hưởng của lạm phát, suy thoái kinh tế ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hạn chế các thực phẩm không thiết yếu, các nhà nhập khẩu cũng cầm chừng hơn.
Bên cạnh đó, việc thị trường Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT bởi ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine và thị trường Trung Quốc đóng cửa do thực thi chính sách Zero Covid cũng khiến ngành điều thêm lao đao.
VINACAS dự báo tính đến tháng cuối của năm 2022 và năm 2023, hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng điều toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức lớn liên quan đến chính sách Zero Covid của Trung Quốc; xung đột Nga - Ukraina từ năm 2021; tình hình kinh tế - chính trị quốc tế; vấn đề lạm phát, suy thoái; chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, biến động tỷ giá USD/ VND; tiêu dùng giảm sút, chi phí chế biến ngày càng tăng, sản xuất đình trệ,... tăng trưởng của ngành điều sẽ bị tác động đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục ảm đạm; thị trường nguyên liệu điều thế giới sẽ gặp nhiều thách thức,...
Đặt mục tiêu cho năm 2023, VINACAS đề nghị điều chỉnh mức chỉ tiêu khiêm tốn khoảng 3,10 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022.
Để đạt mục tiêu này, VINACAS đề nghị các bộ ngành Trung ương, chính quyền địa phương tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành điều, đặc biệt về mặt các chính sách thuế, hải quan.
Đồng thời, kiến nghị phát triển, triển khai thêm các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi số, chế biến sâu, sản xuất điều hữu cơ,…