Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tháng 4/2018, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước tính đạt 18,2 tỷ USD, giảm mạnh 13,9% so với tháng trước.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo Tổng cục Thống kê là vì, do tháng này, số ngày làm việc trong tháng ít hơn 3 ngày so với tháng trước. Và một nguyên nhân quan trọng khác, đó là do kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng giảm mạnh so với tháng trước. Chẳng hạn, sắt thép giảm 32,1%; điện thoại và linh kiện giảm 24,1%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 11,1%...
Tuy nhiên, việc kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2018 giảm mạnh còn do một nguyên nhân khác. Đó là tháng 3, kim ngạch xuất khẩu đã đạt tới 21,13 tỷ USD. Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩy đạt mức cao nhất kể từ trước tới nay. So với con số ước tính, kim ngạch xuất khẩu thực tế cao hơn tới 1,33 tỷ USD. Và nguyên nhân một phần là do Samsung tập trung cho sản xuất và xuất khẩu dòng sản phẩm Galaxy S9 và S9+. Trong tháng này, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt tới 12,6 tỷ USD, tăng 62,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy giảm so với tháng trước, nhưng tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay vẫn tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 73,76 tỷ USD. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm tới 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 53,48 tỷ USD, tăng 19,4%.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 16,6 tỷ USD, tăng 36,8%; hàng dệt may đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,7%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,3 tỷ USD, tăng 10,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5 tỷ USD, tăng 29,6%...
Trong khi đó, 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 70,37 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tếtrong nước đạt 28,06 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,31 tỷ USD, tăng 9,3%.
Với kết quả này, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư, ở mức 3,39 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu tách riêng, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,17 tỷ USD, thì khu vực trong nước nhập siêu 7,78 tỷ USD.
Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, với 9,7 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhập siêu từ Trung Quốc là 7,3 tỷ USD, giảm 16,2%.