Thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC Vũng Tàu
Rộng mở cơ hội bán điện sạch
Website của Cơ quan Thị trường năng lượng Singapore (EMA) cho hay, Singapore có nguồn năng lượng tái tạo hạn chế và muốn tiếp cận nguồn điện sạch dồi dào trong khu vực bằng cách kết nối với lưới điện khu vực. Điều này cũng thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo trong khu vực và mở đường cho việc hiện thực hóa tầm nhìn của Lưới điện ASEAN.
Để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, EMA đã phê duyệt việc nhập khẩu có điều kiện khoảng 4 GW điện sạch vào năm 2025 từ các nước lân cận, gồm 1 GW từ Campuchia, 2 GW từ Indonesia và 1,2 GW từ Việt Nam. Với Việt Nam, hồi tháng 10/2023, cơ quan này đã phê duyệt có điều kiện cho Sembcorp Utilities Pte Ltd (SCU - một công ty con do Sembcorp Industries Ltd sở hữu hoàn toàn) nhập khẩu 1,2 GW điện sạch từ Việt Nam sang Singapore.
Dựa trên đề xuất của SCU, nguồn điện nhập khẩu này sẽ được khai thác từ năng lượng gió ngoài khơi, với sự hợp tác phát triển cùng Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) và được truyền từ Việt Nam đến Singapore thông qua các tuyến cáp ngầm mới trải dài khoảng 1.000 km.
Tại Việt Nam, sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép triển khai đầy đủ các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển vào tháng 8/2023, năm 2024 là thời gian mà PTSC thực hiện khảo sát ngoài khơi nhằm phục vụ phát triển Dự án Điện gió ngoài khơi có mục tiêu sản xuất điện, xuất khẩu điện sạch sang Singapore.
Vào tháng 3/2024, PTSC đã đón Đoàn công tác của Chính phủ Singapore đến thăm cở sở vật chất và làm việc về Dự án. Trong chuyến làm việc này, các cơ quan chức năng của Chính phủ Singapore đã được tận mắt chứng kiến hạ tầng đồng bộ, phương tiện, trang thiết bị hiện đại bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương được PTSC đầu tư mới để phục vụ các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi trên thế giới, trong đó có dự án mang tính liên quốc gia này.
Thông qua buổi làm việc, các cơ quan chức năng của Chính phủ Singapore khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ PTSC và các đối tác trong quá trình triển khai Dự án, không chỉ giúp Singapore sớm đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, mà còn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương giữa Singapore và Việt Nam, hiện thực hóa Quan hệ đối tác kinh tế số - kinh tế xanh giữa hai nước.
Điều này đã củng cố hơn nữa sự tin tưởng của các cơ quan chức năng của Chính phủ Singapore trong việc lựa chọn Việt Nam là quốc gia cuối cùng trong mục tiêu nhập khẩu khoảng 4 GW điện sạch đến Singapore từ năm 2030, PTSC trong vai trò là nhà đồng đầu tư và phát triển Dự án.
Về phía PTSC và SCU, sau khi được các cơ quan chức năng của hai nước cấp giấy phép khảo sát và phê duyệt có điều kiện cuối năm 2023 để nhập khẩu điện sạch từ Việt Nam vào Singapore, các công việc liên quan cũng đang được thúc đẩy thực hiện nhằm triển khai thành công Dự án.
Chặng đường còn dài
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho hay, điện gió ngoài khơi là một trọng tâm trong chuyển hướng chiến lược của Tập đoàn. Petrovietnam đang xây dựng danh mục dự án điện gió ngoài khơi, báo cáo cấp có thẩm quyền; triển khai đào tạo nhân lực; hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới và trực tiếp đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu về điện gió ngoài khơi, tiến tới tự chủ trong việc phát triển điện gió ngoài khơi.
Trước khi đến với Dự án Trang trại điện gió nhằm xuất khẩu điện sang Singapore, những năm qua, PTSC là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam trúng các gói thầu quốc tế thi công chân đế điện gió ngoài khơi, trạm biến áp điện gió cho các chủ đầu tư nước ngoài. Đến nay, đã có nhiều chân đế, cấu kiện cơ khí do PTSC chế tạo được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Bắc Âu.
Tổng giám đốc PTSC, ông Lê Mạnh Cường cho biết, PTSC đã có hơn 30 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các dự án dầu khí lớn trong nước và quốc tế. Trong đó, với lĩnh vực cơ khí dầu khí, đã có hơn 100 dự án được thực hiện thành công ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, các dự án PTSC trúng thầu quốc tế là những dự án đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, tiến độ.
Biết đến thương hiệu của PTSC qua các dự án cơ khí dầu khí, các chủ đầu tư dự án điện gió ngoài khơi của nước ngoài đã nhiều lần đến tham quan và kiểm tra năng lực của PTSC và đánh giá rằng, “PTSC hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ chế tạo trạm biến áp, chân đế cho dự án điện gió ngoài khơi”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Mạnh Cường cho hay, Dự án Trang trại điện gió ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu có quy mô 2,3 GW, với hiệu suất khoảng 46%, sẽ giúp có được 1,2 GW điện sạch, cùng đường cáp ngầm hơn 1.000 km dẫn tới Singapore có quy mô không dưới 10 tỷ USD.
Dù có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn, nhưng Việt Nam chưa phát huy được nguồn năng lượng này do thiếu hành lang pháp lý. Bộ Công thương mới đây đã đề xuất lập Đề án Nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước. Còn các dự án phục vụ xuất khẩu điện thì chưa thấy đề cập. Ngay cả với phát triển điện gió ngoài khơi cho nhu cầu điện trong nước, Bộ Công thương cũng liệt kê điệp trùng các vấn đề cần phải xin ý kiến và xây dựng chính sách để phát triển nguồn điện này.
Do đó, ông Lê Mạnh Cường đề xuất, trong khi chưa kịp xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách ổn định, lâu dài, Chính phủ cần có các văn bản, cơ chế, đề án cho phép Petrovietnam, PTSC và các doanh nghiệp có đủ năng lực, điều kiện… áp dụng triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi theo cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù để phát huy nội lực. Cần ưu tiên các doanh nghiệp trong nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tham gia lĩnh vực này.
Theo Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu (GWEC), năm 2023, đã có 10,8 GW công suất điện gió ngoài khơi mới được lắp đặt, tăng 24% so với năm trước đó. Tổng công suất điện gió toàn cầu tới cuối năm 2023 đã đạt 75,2 GW.
GWEC cũng dự báo, trong 10 năm tới, sẽ có 410 GW công suất điện gió ngoài khơi mới được lắp đặt. Các nơi sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về điện gió ngoài khơi sắp tới là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Brazil, Colombia, Ireland và Ba Lan.