Theo báo cáo tổng kết của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2019, mặc dù chịu tác động rất lớn của tình hình suy giảm kinh tế thế giới do biến động chính trị và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung, ngành dệt may Việt Nam về đích với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, hụt hơi so với mục tiêu khoảng 1 tỷ USD.
Kết quả 39 tỷ USD tương đương với mức tăng trưởng 7,55% so với năm 2018, được cho là ấn tượng trong bối cảnh giá xuất khẩu giảm ở một số thị trường chủ lực.
Kim ngạch nhập khẩu dệt may cả năm 2019 ước đạt 22,38 tỷ USD, tăng 2,21%. Giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 19,26 tỷ USD, tăng 4,96%. Giá trị nội địa tăng thêm (thặng dư thương mại) của hàng hóa dệt may xuất khẩu đạt 19,73 tỷ USD, tăng 10,19%; xuất siêu 16,62 tỷ USD, tăng 2,25 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 38,97% tổng kim ngạch xuất khẩu; EU đạt 4,4 tỷ USD, tăng 2,23%, chiếm tỷ trọng 11,28%; Trung Quốc đạt 4,25 tỷ USD, tăng 7,05%, chiếm tỷ trọng 10,9%; Nhật Bản đạt 4,2 tỷ USD, tăng 4,79%, chiếm tỷ trọng 10,77%; Hàn Quốc đạt 4 tỷ USD, tăng 4,42%, chiếm tỷ trọng 10,26%; ASEAN đạt 2,1 tỷ USD, tăng 7,75 tỷ USD, chiếm 5,38%.
Nhìn nhận về chặng đường phát triển của ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas nhấn mạnh: "20 năm qua, ngành dệt may Việt Nam ghi nhận những dấu mốc ấn tượng. Cụ thể, từ chỗ ngành dệt may chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ bé so với Thái Lan, Indonesia, Philippines…, đến nay dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh".
Khẳng định thêm sự phát triển ấn tượng của ngành dệt may trong 2 thập kỷ, ông Giang đưa ra những con số cụ thể: Thị trường hàng dệt may nội địa đã tăng từ trên 300 triệu USD lên khoảng 4,5 tỷ USD. Thặng dự thương mại năm 2019 đạt 17,7 tỷ USD, tăng 106,5 lần so với 185 triệu USD của năm 1999.