Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Xuất khẩu dệt may, da giày có thể đạt gần 70 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Việc thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang là điểm cộng cho thương mại hàng hóa, tạo thêm dư địa để 2 ngành da giày, dệt may có thể cán đích xuất khẩu gần 70 tỷ USD trong năm nay.

Kim ngạch xuất khẩu hơn 50 tỷ USD từ 2 ngành chủ lực

Nhờ tận dụng tốt những lợi thế của các FTA, 2 ngành xuất khẩu chủ lực là dệt may và giày dép - túi xách đã đóng góp khoảng 50 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước sau chặng đường 8 tháng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 8 tháng năm 2022, xuất khẩu giày dép - túi xách đạt hơn 19 tỷ USD (da giày 16,5 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ; túi xách 3 tỷ USD, tăng 30%), trong khi ngành dệt may đạt 31 tỷ USD (dệt may đạt 26,04 tỷ USD, tăng 23,1%; xơ sợi 3,438 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may hơn 1 tỷ USD, tăng 19,4%).

Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép. Từ đầu năm đến nay, dù sản xuất vẫn chưa hồi phục như thời điểm trước dịch, nhưng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vẫn tăng được sản lượng nhờ điều phối sản xuất linh hoạt, đưa công nghệ vào thay thế nhân công tại một số khâu sản xuất. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã chốt được lượng đơn hàng đáng kể, giúp xuất khẩu tăng trưởng.

Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng sản xuất toàn ngành chỉ đạt 5,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,6%, đạt 20,78 tỷ USD (trong đó, giày dép tăng 4,6%, đạt 17,9 tỷ USD). Tuy nhiên, sang năm 2022, kết quả xuất khẩu 8 tháng năm nay đạt 19 tỷ USD, gần bằng cả năm trước. Đây là con số rất khích lệ, hứa hẹn về đích mục tiêu tăng trưởng cả năm của ngành.

Theo kế hoạch đặt ra từ đầu năm, dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 43,5 tỷ USD, còn da giày - túi xách là 25 tỷ USD. Nếu cán đích kế hoạch, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm của hai ngành này đạt tới tới 68,5 tỷ USD.

Nguồn: Vitas, Lefaso

Với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, không chỉ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, mà sử dụng nguyên phụ liệu trong nước cũng tăng ở mức 2 con số (khoảng 12%), đạt gần 13 tỷ USD trong 8 tháng.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”, Chủ tịch

Vinatex, ông Lê Tiến Trường khẳng định, tốc độ tăng trưởng dệt may tới 20% trong 8 tháng là mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua.

“Nếu trong 8 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng xuất khẩu dệt may đạt 3,7 - 3,8 tỷ USD, thì dự kiến 4 tháng cuối năm chỉ xuất được 3,1 - 3,2 tỷ USD do lo ngại lạm phát, tồn kho tăng cao tại nhiều thị trường lớn”, ông Trường dự tính.

Dù vậy, với những tháng đầu năm tăng trưởng cao, ngành dệt may vẫn có cơ hội cán đích mục tiêu xuất khẩu 43 - 43,5 tỷ USD trong cả năm.

Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Lefaso, cho đến thời điểm này, lợi thế của các FTA đã được ngành da giày tận dụng rất tốt và đây chính là động lực để ngành này vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong giai đoạn vừa qua.

Vì sao nhà mua hàng chọn Việt Nam?

Kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, cuộc chiến tại Ukraine… tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, cũng như gây ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng. Dù vậy, đơn đặt hàng từ các đối tác thương mại lớn vẫn chọn Việt Nam. Tăng trưởng xuất khẩu 8 tháng duy trì ở mức 18,2%, với 252,6 tỷ USD, xuất siêu gần 5,5 tỷ USD là minh chứng rõ nhất.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam phân tích, việc hội nhập sâu rộng với 15 FTA đang thực thi, kể cả các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA) là điểm cộng cho thương mại hàng hóa của Việt Nam.

“Chính sự đa dạng trong quan hệ đối tác kinh tế của Việt Nam với tất cả các quốc gia trên thế giới từ châu Âu, châu Mỹ, đến Trung Quốc… đã giúp thương mại vẫn tăng trưởng mạnh. Thương mại chậm lại ở một số khu vực trên thế giới, nhưng được bù đắp bằng sự tăng trưởng trong quan hệ thương mại ở các khu vực khác và Việt Nam đã tận dụng được các lợi thế này”, ông Andrew Jeffries đánh giá.

Thực tế, các nhà máy sản xuất giày dép, túi xách và dệt may tại Việt Nam có ưu thế cạnh tranh đơn hàng khá rõ nét so với nhiều nước trong khu vực.

Mặc dù đại dịch Covid-19 căng thẳng trong mấy năm qua, song các nhà mua hàng lớn vẫn chọn Việt Nam, thậm chí tăng đặt hàng của Việt Nam, đặc biệt trong 2 ngành dệt may, giày dép. Đơn cử, trước đây, Hãng Nike chủ yếu đặt gia công tại Trung Quốc, nhưng gần đây có xu hướng đặt hàng nhiều hơn của Việt Nam, vì thị hiếu của khách hàng thế giới chuộng sản phẩm gắn mác Made in Vietnam.

Báo cáo tài chính của Nike cho biết, năm 2021, có đến 51% số lượng giày thể thao của Hãng được sản xuất tại Việt Nam, trong khi tỷ lệ sản xuất tại Trung Quốc giảm xuống còn 21%, so với mức 35% vào năm 2006.

Việt Nam đã vươn lên trở thành nước gia công, sản xuất da giày lớn nhất cho Hãng Nike. Nike cũng sẵn sàng tăng thêm đơn hàng nếu Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển.

Dù vậy, cơ hội để mở rộng quy mô sản xuất dệt may, giày dép một cách mạnh mẽ khó xảy ra do đã đến mức giới hạn về lao động và đất đai, cũng như một số địa phương ngại đón nhận các dự án sản xuất gây ô nhiễm như dệt, nhuộm, thuộc da…

Tin bài liên quan