Tín hiệu khả quan
Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Gỗ An Cường (mã chứng khoán ACG) cho biết, những tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Đây là tình trạng chung trên toàn cầu. Gần như tất cả các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực gồm giày da, may mặc, cơ khí, gỗ… đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tình hình thị trường gần đây bắt đầu có các tín hiệu khả quan.
Hiện tại, Gỗ An Cường đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Công ty dần lấy lại được nhịp độ của năm ngoái, đạt mức tăng trưởng sơ bộ là 10%.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa cuối tháng 5/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 16,43 tỷ USD, tăng 43,4% so với nửa đầu tháng 5. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, giày dép, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả đều tăng.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 135,22 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2023 ở mức thấp (260,79 tỷ USD, giảm 15,3%), nhưng cán cân thương mại xuất siêu 9,8 tỷ USD, tăng mạnh so với mức xuất siêu 0,24 tỷ USD của cùng kỳ năm 2022 và nhập siêu 0,47 tỷ USD của cùng kỳ năm 2021. Tình hình xuất nhập khẩu được kỳ vọng sẽ khả quan hơn kể từ quý III/2023 khi nhu cầu dần hồi phục tại Mỹ, EU và việc Trung Quốc mở cửa cũng như các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu mới.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nhận định, từ quý III/2023, xuất khẩu da giày sẽ dần hồi phục.
Trước đó, trong quý I/2023, đơn hàng của ngành da giày giảm khoảng 30% và kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày tính đến hết tháng 5/2023 đạt xấp xỉ 10 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Công thương, Mỹ đang là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Thị trường này đang gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và chuẩn bị bổ sung các kệ hàng bằng hàng hóa mới, mở ra kỳ vọng cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, các thị trường lớn như Mỹ, EU dần chuẩn bị cho mùa lễ hội, mua sắm cuối năm, nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm tiêu dùng gồm may mặc, nội thất, thủy sản sẽ gia tăng.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Hoạt động xuất khẩu được kỳ vọng phục hồi trong nửa cuối năm nay, khi hàng tồn kho tại các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ giảm đáng kể.
Doanh nghiệp tôm Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên thị trường xuất khẩu kể từ cuối năm 2022 đến nay trước những tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát toàn cầu và áp lực cạnh tranh từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia. Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm giảm gần 36% so với cùng kỳ, giảm mạnh ở hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.
Hiện tại, hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản có những cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng thách thức được đánh giá nhiều hơn cơ hội. Trong đó, có 2 thách thức lớn mà ngành tôm đang phải đối mặt, đó là nhu cầu tiêu thụ giảm và nguồn cung trên thế giới tăng, đặc biệt là Ecuador và Ấn Độ. Trong khi đó, chi phí nuôi tôm ở Ecuador thấp hơn Việt Nam từ 25 - 30%, nên giá thành tôm thấp hơn, giá bán cạnh tranh hơn.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp chế biến tôm cần rà soát lại chi phí sản xuất, bố trí dây chuyền sản xuất cho phù hợp, cắt giảm chi phí không cần thiết. Song song với đó, phát triển thêm các mặt hàng giá trị gia tăng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, nhằm tăng sức cạnh tranh với sản phẩm tôm của các nước khác.
Với mặt hàng cá tra, kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm gần 40% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) ghi nhận doanh thu cá tra trong tháng 5/2023 đạt 592 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 62% trong tổng doanh thu), tăng 14% so với tháng 4, nhưng giảm 43% so với cùng kỳ.
Vĩnh Hoàn dự báo, nhu cầu phi lê cá thấp trên thị trường toàn cầu và giá thức ăn chăn nuôi (đậu nành và bắp ngô) tăng trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty trong giai đoạn 2023 - 2024. Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Vĩnh Hoàn là đạt doanh thu 11.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn 13% và 49% so với mức thực hiện năm 2022.
Tại Công ty cổ phần Phú Tài (mã chứng khoán PTB), gần 90% doanh thu đến từ mảng gỗ, với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ (chiếm hơn 70%). Các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ đã được Phú Tài ký tới hết tháng 8/2023. Với các đơn hàng cũ, doanh nghiệp đang thương thảo với khách hàng nhận hàng sớm, để có thể giải quyết hàng tồn kho.
Trong lĩnh vực dệt may, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã chứng khoán TCM) chủ động tháo gỡ khó khăn bằng cách mở rộng thị trường. Công ty tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA, RCEP… để gia tăng khách hàng mới, sử dụng lợi thế cạnh tranh là chủ động nguồn nguyên vật liệu, đồng thời gia tăng công suất nhà máy nhuộm, dệt thông qua việc hợp tác cùng các đối tác trong ngành.
Mùa mua sắm cuối năm được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình đơn hàng. Hiện tại, Dệt may Thành Công đã nhận đơn hàng cho quý III/2023 và đang tìm kiếm đơn hàng cho quý IV/2023.
Mặc dù vậy, Hội đồng quản trị Dệt may Thành Công vừa điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 để trình Đại hội cổ đông tổ chức ngày 30/6 tới thông qua, từ dự kiến tăng trưởng sang suy giảm. Theo đó, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm nay lần lượt là 3.927 tỷ đồng và 244 tỷ đồng, tương ứng thấp hơn so với mức thực hiện năm ngoái 9% và 13%.