Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có nhiều điểm vượt trội

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu vào Mỹ chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và liên tục tăng trong những năm gần đây.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có nhiều điểm vượt trội. Xuất khẩu đã sớm đạt quy mô khá ngay từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995 đạt 169,7 triệu USD, đứng thứ 6 trong số các thị trường).

Sau khi hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào năm 2000, thì năm 2001, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ thứ ba, với 1.065,3 triệu USD, năm 2002, vượt lên đứng thứ nhất với 2.452,8 triệu USD và liên tục ở vị trí đó cho đến nay.

Xuất khẩu vào Mỹ chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và liên tục tăng lên trong những năm gần đây (năm 2018 chiếm 19,5%, năm 2019 là 23,2%, năm 2020 là 27,3%, năm 2021 là 28,6%, 4 tháng năm 2022 là 29,6%). Tỷ trọng trong 4 tháng vượt khá xa so với các thị trường đứng liền sau (Trung Quốc 14,6%, Hàn Quốc 6,8%, Nhật Bản 6%).

Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hiện đứng thứ 9 trong các thị trường xuất khẩu vào Mỹ.

Số mặt hàng chủ yếu của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có nhiều. Trong 37 mặt hàng chủ yếu trong 4 tháng, có 22 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 6 mặt hàng mới qua 1/3 thời gian của năm đã đạt trên 1 tỷ USD (máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 6,10 tỷ USD; dệt may 5,97 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 4,47 tỷ USD; điện thoại và linh kiện 4,19 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 3,34 tỷ USD; giày dép 3,16 tỷ USD).

Nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ có quy mô thấp hơn và tăng chậm hơn so với xuất khẩu. Thậm chí, trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu từ Mỹ giảm 9,8% so với cùng kỳ. Số mặt hàng có nhiều, trong đó có 14 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, trong đó, mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1.279,7 triệu USD.

Xuất siêu liên tục tăng lên và đạt quy mô lớn nhất trong các thị trường, đã góp phần cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá…

Kết quả trong 4 tháng là tín hiệu khả quan để dự báo về xuất khẩu, nhập khẩu, xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ. Theo đó, xuất khẩu có thể cán mốc 115 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay, tăng gần 20 tỷ USD so với năm trước; nhập khẩu có thể đạt 15 tỷ USD; xuất siêu có thể cán mốc 100 tỷ USD, tăng gần 19 tỷ USD.

Dự báo khả quan như trên xuất phát từ nhiều cơ sở.

Trước hết, Mỹ là nước có quy mô GDP lớn nhất thế giới (năm 2021 ước 22.600 tỷ USD), bình quân đầu người đạt trên 65.000 USD. Mỹ có tỷ trọng tiêu dùng trong GDP lên tới 82%; tỷ lệ thu nhập quốc gia/GDP vượt 101%. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có quy mô lớn, nhưng mới chiếm trên 3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Bên cạnh đó, số người Việt Nam ở Mỹ hiện có trên 2 triệu người. Đây vừa là người tiêu dùng, vừa là cầu nối trong các quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch…

Tuy nhiên, trong xuất nhập khẩu với Mỹ cũng có một số vấn đề cần lưu ý.

Về tổng số, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ mới chiếm hơn 3%, nhưng một số mặt hàng lại chiếm tỷ trọng lớn gấp nhiều lần tỷ trọng chung, nên cần được xem xét để tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, dẫn đến những phản ứng tiêu cực của người sản xuất trong nước của Mỹ. Xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ cũng có thể gây tác động tiêu cực, nên việc chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất, nhập khẩu là rất cần thiết.

Tin bài liên quan