Xuất khẩu của Việt Nam hưởng lợi gì từ hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đặc biệt có ý nghĩa một khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát vì nền kinh tế khu vực sẽ có thêm động lực để tăng trưởng.
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia.

Đó là nhận định của TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia - NCIF (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới, được kỳ vọng trở thành động lực giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu - một trong 3 bệ phóng của nền kinh tế. Ông nghĩ sao về điều này?

Khác với CPTPP và EVFTA là FTA thế hệ mới, RCEP về cơ bản vẫn là FTA truyền thống, tập trung vào thúc đẩy hoạt động thương mại, qua đó thúc đẩy đầu tư, tạo công ăn việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Bản chất RCEP là ASEAN+5 (bao gồm ASEAN và Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand) chiếm gần 30% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới, được xóa bỏ trên 90% thuế quan, nên khi RCEP có hiệu lực chắc chắn sẽ thúc đẩy thương mại của các thành viên tăng trưởng mạnh mẽ.

RCEP đã được 15 thành viên thông qua vào ngày 15/11/2020 và chỉ chờ thời điểm có hiệu lực. Theo quy định, RCEP sẽ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ khi có ít nhất 6 thành viên ASEAN và 3 thành viên ngoài ASEAN phê chuẩn. Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore đã phê chuẩn, các thành viên còn lại, trong đó có Việt Nam đang hoàn thiện những thủ tục pháp lý cuối cùng để cơ quan lập pháp thông qua.

Theo ông, RCEP sẽ tác động thế nào đến hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam?

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 trong 4 nền kinh tế lớn nhất châu Á từ lâu đã mong muốn có FTA song phương hoặc đa phương với nhau, nhưng họ không làm được. Chính vì vậy, RCEP đã tạo điều kiện để 3 nền kinh tế này tăng cường đầu tư, xuất - nhập khẩu lẫn nhau và các nước như Việt Nam cũng được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư, xuất - nhập khẩu này.

Như hầu hết FTA khác, RCEP cũng có quy chế tính gộp xuất xứ. Trước khi RCEP có hiệu lực, Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc không được hưởng ưu đãi thuế quan. Quy định này cũng được áp dụng tương tự như Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản về sản xuất hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng khi thực thi RCEP thì toàn bộ hàng hóa có nguồn gốc từ các thành viên đều được hưởng ưu đãi thuế quan nên thương mại giữa Việt Nam với các thành viên truyền thống và 2 đối tác mới là Australia và New Zealand sẽ tăng mạnh, thu hút đầu tư từ các quốc gia này cũng gia tăng. Nhưng đây cũng là thách thức trong chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Kinh tế thế giới đang định hình lại chuỗi sản xuất, đại dịch Covid-19 khiến chuỗi sản xuất mới được hình thành nhanh hơn; vấn đề là Việt Nam có tham gia được vào chuỗi mới hay không, tham gia ở mức độ nào. Nếu thành công trong việc tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu mới đang hình thành với công thức “Trung Quốc +” thì cũng có thể thành công trong việc phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ.

Như vậy, RCEP sẽ không thay đổi thị trường xuất - nhập khẩu của Việt Nam, hay nói đúng ra, vẫn phụ thuộc vào 6 thị trường truyền thống và lớn nhất, thưa ông?

Việt Nam đã tham gia, ký kết 15 FTA và khi đàm phán, ký kết FTA nào, dường như chúng ta mặc định là doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, mở rộng thị trường truyền thống; đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa xuất khẩu; đa dạng hóa nguyên nhiên vật liệu, thiết bị, máy móc là đầu vào của sản xuất, qua đó hạ được giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Nhưng nhìn lại cơ cấu xuất khẩu theo thị trường và theo mặt hàng thì hầu như không có nhiều thay đổi trong vòng 10 năm trở lại đây, thậm chí tỷ lệ nhập khẩu - xuất khẩu trên tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng năm vào 6 đối tác thương mại lớn nhất còn tăng lên, trong đó xuất khẩu vào Hoa Kỳ (chưa ký FTA) và EU chỉ vừa mới có EVFTA tăng rất mạnh cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Tôi nghĩ rằng, FTA chưa giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, FTA tác động đến hoạt động thu hút đầu tư nhiều hơn và chính đầu tư nước ngoài đã và đang giúp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu, nhưng vẫn tập trung chủ yếu vào 6 thị trường truyền thống và là đối tác thương mại lớn nhất.

Nguyên nhân là số lượng doanh nghiệp tận dụng được thuế quan ưu đãi do FTA đem lại không nhiều, chỉ vào khoảng 35-37%. Nhưng điều này sẽ thay đổi khi RCEP được thực thi vì thực ra RCEP bao trùm lên hầu hết các FTA mà Việt Nam đã tham gia, ký kết đa phương hoặc song phương.

Thay đổi thế nào, thưa ông?

Australia và New Zealand là 2 nền kinh tế thuộc hàng lớn trên thế giới, nhưng giao thương giữa Việt Nam và 2 quốc gia này không nhiều, quy chế tính gộp xuất xứ của RCEP là cơ sở để tin rằng, hoạt động xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia, New Zealand gia tăng. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng là những đối tác đầu tư hàng đầu vào Việt Nam, RCEP sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư vào Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ đầu tư trong nội khối RCEP, mà với các nền kinh tế lớn khác, qua đó sẽ thúc đẩy hoạt động xuất - nhập khẩu, làm thay đổi tỷ trọng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam, góp phần không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, cùng với CPTPP, EVFTA, RCEP và các hiệp định thương mại khác sẽ giúp Việt Nam sớm phục hồi tăng trưởng kinh tế khi Covid-19 được kiểm soát. Theo tính toán, các gói hỗ trợ nhằm phục hồi nền kinh tế của Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu sẽ tác động làm tăng GDP của Việt Nam từ 0,75 đến 1 điểm phần trăm trong thời gian tới. Vấn đề là phải tận dụng được các FTA trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu.

Sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều người kỳ vọng, Việt Nam sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ vào EU. Vậy theo ông, RCEP có diễn biến tương tự như EVFTA?

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 6,5%, trong đó xuất khẩu vào EU đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,7%. Tuy nhiên, năm 2020 là năm khó khăn đặc biệt và EVFTA cũng chỉ thực thi được 5 tháng, nên xuất khẩu vào EU giảm nhẹ, nếu không có EVFTA thì xuất khẩu vào EU còn giảm mạnh hơn nữa.

Còn trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu vào EU đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,5%. Tuy nhiên, đàm phán, ký kết, thực thi EVFTA và CPTPP, Việt Nam không chỉ nhìn vào việc đẩy mạnh xuất khẩu, mà còn có tham vọng cao hơn vì đây là 2 FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rất rộng, ngoài cắt giảm thuế quan, hạn ngạch thuế quan, còn là quy tắc xuất xứ, dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững… Tất cả những nội hàm này cần phải có thời gian để kiểm chứng tính hiệu quả. Trong khi đó, RCEP tập trung vào hoạt động thương mại, không mất thời gian để kiểm nghiệm vì các thành viên trong RCEP đều là những đối tác thuộc hàng quan trọng nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Tin bài liên quan