Xuất khẩu của Mỹ sẽ “thua” khi rút khỏi Hiệp định Paris

Xuất khẩu của Mỹ sẽ “thua” khi rút khỏi Hiệp định Paris

(ĐTCK) Nhiều ý kiến nhận định, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ làm xói mòn sức cạnh tranh của nền kinh tế, các tiến bộ khoa học công nghệ cũng như vai trò của nước này trên toàn cầu. Đó là chưa kể các tác hại tới trái đất, điều mà rõ ràng rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump không lấy làm bận tâm.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là hiệp định có phạm vi rộng nhất về vấn đề này, khi quy tụ hầu như mọi quốc gia trên thế giới, ngoại trừ 2 nước là Syria và Nicaragua hiện đang đứng ngoài. Hiệp định kêu gọi giảm lượng khí thải CO2 với kỳ vọng hạn chế hiện tượng trái đất nóng lên, đặt mục tiêu giữ nhiệt độ của trái đất chỉ cao hơn thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp khoảng 1,5 độ C.

Một điểm đáng chú ý là các quốc gia tham gia Hiệp định Paris đã thống nhất, các nước giàu hơn sẽ hỗ trợ về mặt tài chính và công nghệ để giúp các nước đang phát triển đảm đương các nghĩa vụ liên quan tới chống biến đổi khí hậu.

Nếu Tổng thống Trump cho rằng, việc rút khỏi Hiệp định Paris là nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ không bị mất đi 2,7 triệu việc làm, thì nhiều khả năng ông đã nhầm.

Thực tế, hành động này sẽ để lại các tác động tiêu cực không chỉ cho hành tinh, mà còn cho tính cạnh tranh, tiến bộ công nghệ và vai trò dẫn dẵn của nước Mỹ trên thế giới trong thế kỷ 21.

Ngành công nghiệp năng lượng, vốn chịu định kiến về sự ì ạch, chậm thích nghi với thay đổi, thực tế lại là một trong những lĩnh vực công nghiệp nhanh nhẹn, phát triển mạnh và có nhiều sáng tạo công nghệ bậc nhất. Trong đó, các công ty Mỹ đang nắm vai trò dẫn đầu.

“Đối với nhiều công ty Mỹ, biến đổi khí hậu là vấn đề hiện hữu và nhiệm vụ giảm khí thải carbon rất được coi trọng”, Gary Yohe - nhà kinh tế học và là giáo sư tại Đại học Wesleyan cho biết.

Các tập đoàn năng lượng khổng lồ như Exxon Mobil Corp hay ConocoPhillips đều hỗ trợ cho các thỏa thuận về biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Theo Bloomberg New Energy Finance, các dự án năng lượng mặt trời dự kiến sẽ có chi phí thấp hơn so với công nghệ điện hiện tại trên toàn cầu cho tới năm 2030 và chi phí cho năng lượng gió sẽ giảm thêm 40% cho tới năm 2040. Nhưng khi Mỹ rút ra khỏi Hiệp định Paris, nhiều khả năng sự tăng trưởng của lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ chậm lại.

Như vậy, với quyết định của ông Trump, nước Mỹ đang tự lùi lại và nhường cơ hội thống trị thị trường và công nghệ mang lại lợi nhuận bậc nhất này cho các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước châu Âu.

Bên cạnh đó, ngay cả khi lĩnh vực năng lượng tái tạo “đi lùi”, các loại năng lượng hóa thạch như than đá cũng không thể chiếm ngôi, bởi thực tế rằng thị trường không còn ưa chuộng loại năng lượng này.

Đỉnh cao của sản lượng than đá trên thế giới đã đạt được vào năm 2013. Trung Quốc hiện đã thống nhất với mục tiêu của Hiệp định Paris, đóng cửa hơn 100 nhà máy nhiệt điện trong tháng 1/2017 và kiểm soát sản lượng than đá.

Ngay cả Ấn Độ - quốc gia có khoảng 250 triệu người đang sống mà không có điện, cũng hủy kế hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện trong tháng trước, bắt đầu thực hiện chiến lược đạt 100 gigawatts năng lượng mặt trời tới năm 2022.

Chưa kể, việc rút ra khỏi Hiệp định Paris sẽ không giúp ông Trump thực hiện lời hứa tạo thêm việc làm cho nước Mỹ, mà thực tế có thể ngược lại.

Trung Quốc và Liên minh châu Âu không lãng phí thời gian trong việc thắt chặt các mối quan hệ thương mại, đồng thời nhận định ngành năng lượng sạch là một trong những lĩnh vực trọng tâm.

Theo đó, nhiều khả năng doanh nghiệp Mỹ sẽ sớm bị các đối thủ trong lĩnh vực tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lượng từ Trung Quốc và Liên minh châu Âu vượt mặt, đầu tiên là trong việc tạo ra việc làm.

Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, năm 2016, Trung Quốc tạo thêm 2 triệu việc làm có liên quan tới năng lượng mặt trời, chiếm 2/3 số lượng việc làm mới lĩnh vực này trên toàn cầu và gấp 8 lần con số mà Mỹ tạo nên.

Thêm vào đó, John Sterman - giáo sư tại MIT Sloan School of Management và là cố vấn cao cấp tại Climate Interactive nhận định, rời khỏi Hiệp định Paris sẽ tạo thêm bất ổn cho nền kinh tế Mỹ.

“Không khó để nghĩ tới trường hợp, các quốc gia trên thế giới, như Trung Quốc, sẽ sớm có phản ứng trước hành động của Mỹ, chẳng hạn đánh thuế carbon đối với hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ. Điều này không hề tốt cho việc kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ”, John Sterman nói.

Bên cạnh những thiệt hại về kinh tế, dự báo nước Mỹ sẽ chứng kiến vai trò dẫn dắt của mình đối với vấn đề biến đổi khí hậu dần được thế chỗ bởi Trung Quốc - nền kinh tế sở hữu ngành năng lượng lớn nhất thế giới sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris. Sản lượng đầu ra năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã tăng 80% trong quý I/2017 và tiềm năng tăng trưởng là rất lớn.

Tin bài liên quan