Tín hiệu hồi phục đơn hàng không như dự kiến
Từ cuối tháng 5/2023, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cho biết, có tín hiệu khởi sắc của đơn hàng và kỳ vọng thị trường bước vào nhịp hồi phục trong mùa mua sắm cuối năm, đồng thời lượng hàng tồn kho tại các nước nhập khẩu suy giảm nên sẽ đẩy mạnh nhập hàng mới để bổ sung vào kho hàng.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi đó dự báo, hoạt động xuất khẩu thủy sản sẽ dần hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2023 và các doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn so với nửa đầu năm, nhờ những tín hiệu khả quan ở các thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên, với ngành xuất khẩu cá tra, đà hồi phục đến nay không như kỳ vọng, khi các doanh nghiệp đồng loạt công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với kết quả kinh doanh lao dốc.
Cụ thể, Công ty cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán ANV) ghi nhận quý III/2023 đạt doanh thu 1.098,82 tỷ đồng, giảm 11,3%; lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 1 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp giảm từ 23,2% xuống 7,7%.
Theo dữ liệu iBoard của Công ty Chứng khoán SSI, trong giai đoạn 2010 - 2022, chưa năm nào biên lợi nhuận gộp của Nam Việt giảm xuống 7,7%. Năm có biên lợi nhuận thấp nhất là 2011, với 10,26% và năm có biên lợi nhuận cao nhất là 2022, đạt 27,27%.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Nam Việt đạt doanh thu 3.328,3 tỷ đồng, giảm 11,3%; lợi nhuận sau thuế 42,4 tỷ đồng, giảm 92,5% so với cùng kỳ. Kế hoạch năm 2023 của doanh nghiệp là lãi trước thuế 300 tỷ đồng, nhưng tính đến hết tháng 9 mới đạt 63,3 tỷ đồng, hoàn thành 21,1% mục tiêu.
Tương tự, trong quý III/2023, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (I.D.I, mã chứng khoán IDI) ghi nhận doanh thu 1.749,2 tỷ đồng, giảm 10,9%; lợi nhuận sau thuế 23,4 tỷ đồng, giảm 76,3% so với cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp giảm từ 11,2% xuống 6,3%.
Cũng theo dữ liệu iBoard, từ năm 2013 đến 2022, biên lợi nhuận gộp của I.D.I chưa năm nào giảm xuống 6,3%; thấp nhất là 7,18% năm 2020 và cao nhất là 15,74% năm 2018.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, I.D.I đạt doanh thu 5.338 tỷ đồng, giảm 14,2%; lợi nhuận sau thuế 67,7 tỷ đồng, giảm 87,3% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 36,4% kế hoạch lãi cả năm (186 tỷ đồng).
Tại Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC), báo cáo tài chính quý III/2023 được Công ty xin gia hạn nộp muộn nhất vào ngày 15/11. Lý do là bởi Vĩnh Hoàn và các công ty con phải tiếp đoàn kiểm tra của Bộ thương mại Mỹ trong thời gian từ ngày 19/10/2023 đến 27/10/2023 cho kỳ kiểm tra hành chính lần thứ 19 đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Kết quả kinh doanh mới nhất mà Vĩnh Hoàn công bố là tháng 7/2023, Công ty ghi nhận doanh thu 865 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu tại Mỹ là 201 tỷ đồng, giảm 54%; tại Trung Quốc là 137 tỷ đồng, giảm 30%; tại châu Âu là 153 tỷ đồng, giảm 24%; tiêu thụ nội địa 270 tỷ đồng, tăng 53%; doanh thu tại các thị trường khác là 105 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ.
Như vậy, ngoại trừ thị trường Việt Nam, doanh thu tại các thị trường khác của Vĩnh Hoàn đều giảm sâu. Trong khi đó, việc doanh nghiệp ngắt quãng chuỗi công bố doanh thu từng tháng sau báo cáo tháng 7/2023 càng khiến nhà đầu tư hoài nghi về khả năng kết quả kinh doanh gần đây không tích cực.
Tồn kho lớn, nợ vay tăng
Giá cá tra xuất khẩu từ đầu năm 2023 đến nay có xu hướng giảm, trong khi giá thành sản xuất tăng.
Với các doanh nghiệp sản xuất, nhà đầu tư thường nhìn vào lượng tồn kho và chiến lược quản lý tồn kho để đánh giá triển vọng bán hàng trong thời gian tới và ra quyết định đầu tư phù hợp với chu kỳ mở rộng hay thu hẹp của doanh nghiệp.
Theo đó, nếu dự báo điều kiện kinh doanh thuận lợi, các doanh nghiệp sản xuất sẽ có xu hướng tích trữ tồn kho hàng hoá, nguyên vật liệu để chuẩn bị cho chu kỳ mới. Ngược lại, khi điều kiện kinh doanh còn nhiều bất ổn, khó khăn kéo dài, doanh nghiệp thường đẩy mạnh xử lý tồn kho, tăng lượng tiền mặt.
Chẳng hạn, trong nhóm sản xuất thép, từ nửa cuối năm 2022 tới nay, nhiều doanh nghiệp liên tục hạ giá bán để kích cầu, giảm tồn kho. Trong nhóm bán lẻ, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm những tháng đầu năm 2023 giảm mạnh, các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ bước vào cuộc chiến giảm giá, đẩy hàng tồn, qua đó cải thiện dòng tiền, tăng lượng tiền mặt.
Quay trở lại với nhóm xuất khẩu cá tra, thời gian kể từ khi thả nuôi đến khi thu hoạch phổ biến là 6 - 8 tháng, việc giá cá tra giảm sâu hồi đầu năm nay, trong khi giá vật tư đầu vào tăng, chi phí nuôi tăng khiến sản lượng nuôi trồng tại nhiều địa phương dần suy giảm, đồng nghĩa với nguồn cung có thể ở mức thấp trong những tháng tới.
Do đặc thù chu kỳ nuôi cá tra không quá dài, nên các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn như Vĩnh Hoàn, Nam Việt, I.D.I đã duy trì lượng tồn kho ở mức cao hơn so với đầu năm, dù xuất khẩu giảm có thể dẫn tới tình trạng này. Tính tới 30/9/2023, lượng tồn kho của I.D.I là 1.600,6 tỷ đồng, tăng 65,1 tỷ đồng; tồn kho của Nam Việt là 2.448,1 tỷ đồng, tăng 114,8 tỷ đồng so với đầu năm. Riêng Vĩnh Hoàn, tồn kho đến cuối tháng 6 là 4.063,7 tỷ đồng, tăng 1.246,2 tỷ đồng so với đầu năm.
Có thể thấy, mặc dù kết quả kinh doanh sụt giảm, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn tích trữ tồn kho, kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục.
Tuy nhiên, mặt trái của chiến lược tích trữ tồn kho là dư nợ của các doanh nghiệp tăng so với đầu năm. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng nợ vay của Nam Việt tăng 43,7 tỷ đồng, lên 1.965,7 tỷ đồng và chiếm 36,7% tổng nguồn vốn; tổng nợ vay của I.D.I tăng 319,3 tỷ đồng, lên 4.394 tỷ đồng và chiếm 52,4% tổng nguồn vốn. Tại Vĩnh Hoàn, tổng nợ vay tính đến cuối tháng 6/2023 tăng 422,7 tỷ đồng so với đầu năm, lên 2.811,1 tỷ đồng và chiếm 33,8% tổng nguồn vốn.