Sản lượng hồi phục nhưng lợi nhuận giảm
Dữ liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu cá tra đạt gần 1,09 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, Agromonitor cho biết, giá trị xuất khẩu cá tra hồi phục trong nửa đầu năm 2024 với sự hỗ trợ từ mức tăng sản lượng ở tất cả các thị trường, nổi bật là thị trường Mỹ, nhất là khi giá bán duy trì ở mức thấp.
Tuy nhiên, việc giá bán không tăng, thậm chí giảm, trong khi chi phí vận chuyển cao, nhất là các tuyến vận chuyển xuyên lục địa đi châu Âu, đi Mỹ đã kéo lùi biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản giảm chủ yếu do giá cước vận tải biển tăng mạnh trong quý II.
Cụ thể, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) ghi nhận doanh thu 6.073,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 26,5%, xuống 483,6 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 11,98%, biên lợi nhuận ròng đạt 7,96%, đây là mức biên lợi nhuận thấp kỷ lục so với giai đoạn 2020 - 2023, đặc biệt năm 2022 (biên lợi nhuận gộp 22,49%, biên lợi nhuận ròng 15,21%). Lợi nhuận nửa đầu năm nay của Vĩnh Hoàn giảm do giá bán cá tra giảm và chi phí vận chuyển tăng 55,9% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 64,3 tỷ đồng lên 100,3 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV) đạt doanh thu 2.209,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 34,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, lần lượt giảm 0,9% và 16,7% so với cùng kỳ năm 2023; biên lợi nhuận gộp là 11,1% và biên lợi ròng là 1,6%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 11,3% và 1,9%. Lợi nhuận của Nam Việt suy giảm chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng cao, từ mức 18,9 tỷ đồng trong quý I lên 36,3 tỷ đồng trong quý II.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (mã IDI), doanh thu và lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2024 lần lượt giảm 0,7% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 3.564,7 tỷ đồng và 28,9 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp giảm từ 8,34% xuống 7,68%; biên lợi nhuận ròng giảm từ 1,02% xuống 0,81%; chi phí vận chuyển tăng 39,8%, từ 35,4 tỷ đồng lên 49,5 tỷ đồng.
Thách thức mới liên quan đến tỷ giá
VASEP đánh giá, dù chưa bứt phá mạnh mẽ nhưng hoạt động xuất khẩu thuỷ sản đến các thị trường lớn nhìn chung đã có tín hiệu hồi phục dần. Xu hướng này kỳ vọng sẽ duy trì trong những tháng cuối năm 2024 nhờ tồn kho ở các nước giảm và nhu cầu chuẩn cho mùa lễ hội cuối năm tăng.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định: “Triển vọng trong nửa cuối năm 2024 tập trung ở mức tăng sản lượng nhờ giá bán cá tra cạnh tranh hơn các loại cá khác. Giá bán cá tra kỳ vọng tăng dần trong nửa cuối năm nay ở tất cả các thị trường nhờ mùa cao điểm”.
Tuy nhiên, trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất trong tháng 9/2024, đồng USD đã yếu đi so với đồng VND trong thời gian gần đây. Theo dữ liệu của Trading Economics, tỷ giá USD/VND đã giảm 2,5% từ đỉnh về 24.825 đồng.
Việc USD yếu đi và VND mạnh lên vô hình trung đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi hầu hết hợp đồng thương mại được tính theo đồng USD, dẫn tới giá hàng hoá của Việt Nam đang đắt hơn so với giai đoạn trước, làm giảm sức hấp dẫn về giá đối với các nhà nhập khẩu.
Trong khi đó, ông Trần Nhật Trung, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán ACB cho biết: “Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cạnh tranh về giá và đó là lợi thế”.