Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Sau một năm xảy ra nhiều biến cố vì dịch COVID-19, con đường vận chuyển hàng hóa biến động, chi phí tăng cao, năng suất chế biến giảm mạnh do hàng loạt nhà máy phải tạm dừng, hoặc hoạt động cầm chừng, xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn giữ vững mục tiêu như đã đề ra ngay từ đầu năm 2021. Các thị trường xuất khẩu vẫn được mở rộng, tăng vị thế cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại khác.
Kim ngạch xuất khẩu tăng
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2021 là năm mà các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đối mặt nhiều thách thức. Dịch COVID-19 khiến các nhà máy sản xuất và chế biến cá tra phải tăng thêm chi phí gấp 3 lần cho kiểm tra dịch bệnh và sản xuất "3 tại chỗ."
Thêm vào đó, các doanh nghiệp còn đối mặt với chi phí logictics tăng cao, thiếu container rỗng để giao hàng đúng hợp đồng và đúng thời hạn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm 2021 ước đạt 1,54 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020.
Để có được kết quả này, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam lý giải do nhu cầu tiêu thụ cá tra tại một số thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc trở lại mức trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Trong số đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất cá tra của Việt Nam. Sau khi phục hồi vào nửa cuối năm 2020, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3, tháng 4/2021.
Tính đến cuối năm 2021, thị trường Trung Quốc chiếm 28% tỷ trọng nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Các nhà nhập khẩu cá tra cho biết, giá cá nước ngọt của nước này trong nửa đầu năm nay tăng mạnh, thời tiết ảnh hưởng tới sản lượng nuôi của Trung Quốc do đó cá tra Việt Nam vẫn là sản phẩm thủy sản thay thế hấp dẫn.
Đối với thị trường Mỹ, nhu cầu tiêu dùng cá tra cũng bắt đầu hồi sinh theo ngành dịch vụ thực phẩm kể từ sau khi quốc gia này ứng phó được dịch COVID-19.
Lượng cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ trong quý đầu năm 2021 tăng gấp đôi so với quý 2 của năm 2020. Trong quý 3 và quý 4 năm 2021, Mỹ tăng lượng nhập khẩu cá tra với mức gần 50% và bù đắp lớn cho các thị trường khác có sự sụt giảm đáng kể.
Hiện thị trường này đang chiếm tỷ trọng 22% và nhu cầu tăng mạnh sau chiến dịch tiêm vaccine cùng gói phục hồi kinh tế. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng vì nhu cầu từ thị trường này vẫn lớn do sản xuất nội địa của Mỹ giảm, giá thủy sản tại Mỹ tăng cao.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ các Hiệp định Thương mại tự do tiếp tục là đòn bẩy xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường, nhất là những thị trường nhỏ tiềm năng như Mexico, Brazil, Nga, Colombia, Thái Lan…
Nỗi lo thiếu nguyên liệu
Mặc dù xuất khẩu cá tra vẫn giữ vững được mục tiêu trong năm 2021, nhưng với những biến động lớn trong 8 tháng do dịch COVID-19, ngành cá tra đã chịu sự tác động nặng nề và ảnh hưởng đến việc thả nuôi cá nguyên liệu cho vụ sau.
Khu vực nuôi cá tra bố mẹ của Tập đoàn Việt-Úc. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN) |
Hiện Tổng Cục thủy sản đã cùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có nuôi cá tra rà soát lại toàn bộ diện tích thả nuôi và tính toán sản lượng có thể cung ứng cho chế biến và xuất khẩu trong năm 2022.
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản của Tổng cục Thủy sản cho biết diện tích thả nuôi cá tra trong các tháng 7, 8, 9 giảm từ 30- 55% so với cùng kỳ năm 2020 do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, diện tích thả nuôi trong các tháng 3, 4, 5, 6 và tháng 10 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính, diện tích thả nuôi phát sinh trong cả năm 2021 đạt 5.000 ha, tăng 5,5% so với năm 2020.
Trong 11 tháng năm 2021, sản lượng cá tra thu hoạch đạt 1,3 triệu tấn, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2020. Ước sản lượng thu hoạch cả năm 2021 đạt 1,5 triệu tấn.
Với sự sụt giảm sản lượng do người nuôi cá tra giảm thả nuôi trong thời gian ứng phó dịch bệnh COVID-19, chính là nỗi lo cho ngành cá tra thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu trong năm sau.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, hiện cả nước có 96 cơ sở sản xuất giống cá tra; trong đó, có 80 cơ sở đang hoạt động và 2.289 cơ sở ương dưỡng giống cá tra. Sản lượng ước đạt khoảng 25 tỷ con cá tra bột và 3,1 tỷ con cá tra giống, bằng 62% so với năm 2020.
Nếu không đẩy mạnh tốc độ nuôi, thả, dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu trong quý 1/2022 có thể thiếu hụt. Để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, năm 2022, ngành cá tra đang đặt kế hoạch đạt trên 5.200ha diện tích thả nuôi phát sinh; sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn.
Tổng cục Thủy sản đang đẩy mạnh chỉ đạo tổ chức sản xuất giống, vật tư đầu vào phục vụ nhu cầu thả nuôi đầu năm để đảm bảo nguyên liệu chế biến cho cả năm 2022. Với diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 12 ước đạt 330ha, cần khoảng 200 triệu con giống.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng hoàn tất nhiều chương trình hỗ trợ về con giống; trong đó, có cá tra hậu bị để có nguồn con giống chất lượng tốt hơn; đồng thời, hỗ trợ chi phí điện cho khu vực vùng nuôi cá tra để các cơ sở sản xuất giống và người nuôi có thêm chi phí duy trì sản xuất, cung ứng được nguyên liệu cho năm sau - bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phẩn Vĩnh Hoàn chia sẻ./.