Ảnh: Shutterstock
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 36,67 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 85,75 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng xuất khẩu diễn biến theo chiều hướng tăng dần qua các tháng và dần tiệm cần với chỉ tiêu tăng trưởng đạt 7-8% theo mục tiêu Quốc hội đề ra năm 2019.
Xét về nhóm hàng và mặt hàng xuất khẩu, tính đến hết tháng 6 năm 2019, đã có 22 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng so với 6 tháng năm 2018.
Có tới 35/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý là 6 tháng đầu năm nay được bổ sung thêm 2 mặt hàng mới đạt giá trị trên 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước là rau quả và xơ, sợi dệt với kim ngạch xuất khẩu đạt lần lượt là 2,08 tỷ USD và 2,01 tỷ USD.
5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện (ước đạt 23,47 tỷ USD, tăng 3,8%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 13,9%), hàng dệt và may mặc (ước đạt 15,04 tỷ USD, tăng 9,9%), giày dép các loại (ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 14,2%), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (ước đạt 8,22 tỷ USD, tăng 6,3%).
Với nhóm hàng nông sản, thủy sản, theo Bộ Công thương, nhu cầu và giá nông sản có xu hướng giảm khiến cho xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đã sụt giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2018, ước đạt 12,4 tỷ USD.
Trong nhóm hàng này, thủy sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất với 3,93 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu cà phê cũng giảm 10,6% về lượng và 21,1% về kim ngạch; Gạo giảm 2,9% về lượng và 17,6% về kim ngạch; Sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 17,7% về lượng và 13,9% về kim ngạch. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng có thể kể tới như: Hàng rau quả tăng 5%, chè tăng 7,5%, hạt tiêu tăng 1,9%, cao su tăng 0,3%.
Đối với nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 2,31 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu than đá giảm mạnh 54,3%; Dầu thô tăng 6,4% về lượng nhưng giảm 1,7% về trị giá; Xăng dầu các loại tăng 9,2% về lượng và 7,3% về trị giá; quặng và khoáng sản khác giảm 18,6% về lượng nhưng tăng 14% về trị giá.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò đầu tàu xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2019 với kim ngạch đạt 102,25 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm tới 83,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Về thị trường xuất khẩu, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt như xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 9,68 tỷ USD, tăng 9,1%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,0%; xuất khẩu sang ASEAN đạt 13,067 tỷ USD, tăng 6,7%.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hội nhập để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang Canada tăng 31,5% (đạt 1,81 tỷ USD); Mexico tăng 22,4% (đạt 1,3 tỷ USD). Thị trường Mỹ, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 tăng 27,4% so với cùng kỳ, ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng so với mức tăng 9,8% cùng kỳ năm trước.