Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm 9,9% so với tháng 7/2019, đạt 2,01 tỷ USD, trong đó thủy sản giảm 1,3%.
Xuất siêu nhưng vẫn lo
Báo cáo 7 tháng của Bộ Công Thương, dù Tính chung 7 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 6,5 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,98 tỷ USD của 7 tháng năm 2019.
Trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,1 tỷ USD thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 17,6 tỷ USD. Con số này cho thấy, sự chủ động nguyên liệu đầu vào của các DN FDI và các DN trong nước có khoảng cách khá xa.
Mặc dù xuất siêu tăng cao nhưng nhìn vào thực tế nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản, rau quả... vẫn thiếu đơn hàng. So với tháng 7/2019, ngoại trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng 0,8% thì các nhóm hàng còn lại đều sụt giảm. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực vẫn còn khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tính hết tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu của đa số các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước: thủy sản đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6,4%; rau quả đạt 2 tỷ USD, giảm 12,3%; cà phê đạt 1,8 tỷ USD, giảm 0,5% (lượng giảm 0,1%); hạt điều đạt 1,7 tỷ USD, giảm 4%; cao su đạt 855 triệu USD, giảm 20,3%; hạt tiêu đạt 405 triệu USD, giảm 20,6%. Riêng sản phẩm gạo đạt 1,9 tỷ USD, tăng 10,9%, sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 541 triệu USD, tăng 2,9%.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản sụt giảm mạnh nhất, ước đạt 1,7 tỷ USD, giảm 36%. Trong nhóm hàng này, dầu thô là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với 2,7 triệu tấn, trị giá 915 triệu USD, tăng 18,7% về lượng nhưng giảm 25,2% về trị giá do giá giảm.
Nguyên phụ liệu, dệt may, da, giày giảm 19,1%. Sắt thép các loại giảm 2,7%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 6,6%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 47,7%
Là ngành mang về trên 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu/năm, da giày, túi xách đã "ngấm đòn" dịch bệnh khi xuất khẩu 7 tháng sụt giảm lần lượt 7,9% và 13,3% (tương đương mức giảm 770 triệu USD và 286 triệu USD). Cụ thể, giày dép đạt 9,53 tỷ USD, còn túi xách, ô dù đạt 1,85 tỷ USD.
Với sự sụt giảm này, đồng nghĩa với giày dép đã rời khỏi TOP các mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Trong khi cùng kỳ năm 2019, giày dép tăng trưởng trên 13,5%, đạt kim ngạch xuất khẩu 10,3 tỷ USD, còn túi xách đạt 2,14 tỷ USD.
"Thông thường quý III là thời điểm xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên với việc chưa có đơn hàng mới tại thời điểm hiện tại, xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, da giày, túi xách, đồ gỗ… vẫn gặp nhiều khó khăn và sụt giảm so với cùng kỳ năm trước", Báo cáo 7 tháng của Bộ Công Thương nêu.
Chờ đợi thị trường cuối năm và EVFTA
Với tình hình xuất khẩu 7 tháng đầu năm và tình hình thị trường trong nước và toàn cầu, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 5 tháng cuối năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm 2020, mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD.
Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ...
Ngoài ra, xuất khẩu nhiều ngành hàng kỳ vọng sẽ đón nhận đơn hàng khả quan hơn do nhu cầu tại EU, Mỹ, Nhật Bản tăng vào dịp lễ tết. Đơn cử, với dệt may, giày dép, theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, tết, Giáng sinh tăng cao.