Sầu riêng Việt Nam đắt hàng xuất khẩu sang thị trường tỷ dân.
Theo Bộ Công thương, 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 42,2 tỷ USD, tăng 2,1%.
Đây là thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (tăng 2,1%).
Trong điều kiện thương mại toàn cầu chậm lại, mức tăng trưởng này là rất đáng ghi nhận. Thực tế, 9 tháng qua, xuất khẩu của nước ta sang các thị trường lớn khác đều giảm. Xuất khẩu sang Mỹ giảm 16,8%, EU giảm 8,2%; thị trường ASEAN giảm 5,5%, Hàn Quốc giảm 5,1%, Nhật Bản giảm 3%.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã chính thức vượt mốc 120 tỷ USD sau 9 tháng đầu năm.
Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong đó về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc xếp thứ hai, sau Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam luôn là nước nhập siêu của Trung Quốc.
Nhận định về triển vọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới, đại diện Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công thương) cho rằng, còn nhiều dư địa để đẩy mức tăng xuất khẩu khi quan hệ chính trị, ngoại giao song phương tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp đã tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác giữa các Bộ ngành và địa phương 2 nước.
Cùng đó, nhu cầu tiêu dùng của thị trường 1,4 tỷ dân tiếp tục gia tăng dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng lớn với nhiều nhóm hàng hóa nông sản của nước ta, từ gạo, trái cây, cao su, sắn, thủy sản...Những yếu tố này sẽ tác động tốt đến hoạt động xuất khẩu của nước ta.
Dự kiến, xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong cả năm 2023 sẽ lên tới 3 tỷ USD, nhờ vào đà tăng tốc của sầu riêng, và nhiều loại trái cây có giá trị như chuối, thanh long...
Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm có thể đạt mức tăng trưởng trở lại, bỏ xa mốc 2,1% trong 9 tháng, nếu kinh tế nước này ổn định.
Ở chiều ngược lại, tốc độ suy giảm nhập khẩu từ Trung Quốc cũng sẽ giảm dần, khi nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từng bước được khôi phục.