Cụ thể, trong hai ngày 11 và 12/12/2016 có hành khách đến ga Sài Gòn nhờ kiểm tra 8 thẻ lên tàu hỏa, Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn đã kiểm tra và phát hiện những thẻ lên tàu này có thông tin họ tên và số giấy tờ của hành khách không đúng so với hệ thống bán vé điện tử của ngành đường sắt. Các thẻ lên tàu được in ra bằng giấy A4, biểu mẫu thẻ rất giống với biểu mẫu của ngành đường sắt.
Lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, thông tin họ tên và số giấy tờ hành khách đi tàu trên thẻ giả không có trên hệ thống bán vé điện tử của ngành đường sắt. Những thẻ đi tàu này là không hợp lệ hành khách sẽ không đi được tàu.
Tại Hà Nội, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng cho biết, công ty đã kiểm tra và phát hiện một số trang web khác không phải của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) nhưng có tên miền khá giống với website của ngành đường sắt nên một số hành khách, nhất là người nước ngoài đã hiểu nhầm và mua vé với giá cao như vetau247.com, duongsatvietnam.com, duongsathanoi.com, dailyvetauhoa.com, vetau24h.com.
Đặc biệt, trang web duongsathanoi.com là trang web mạo danh đại lý bán vé tàu hỏa trực thuộc của ga Hà Nội.
“Tôi khẳng định, VNR chỉ bán vé trên website duy nhất là dsvn.vn và tại các đại lý của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, các ga. Hành khách đặt mua vé qua các website khác có nguy cơ mua phải vé không hợp lệ nên không thể lên tàu”, bà Phùng Thị Lý Hà nhấn mạnh.
Liên quan đến việc để tránh mua phải vé tàu Tết giả, hành khách mất tiền oan nhưng không được lên tàu, Công ty Đường sắt Sài Gòn khuyến cáo, người dân không mua vé thông qua cò mồi, chợ đen, bên ngoài các nhà ga, các website không phải của ngành đường sắt, các đại lý trá hình vì sẽ gây thiệt hại về tài chính của hành khách đồng thời không đi được tàu.
Đối với những hành khách chưa mua được vé tàu Tết, có thể truy cập vào website bán vé chính thức của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam: http://dsvn.vn hoặc tại các nhà ga, các điểm bán vé, các đại lý của Công ty để đặt mua vé, tìm hiểu thông tin giờ tàu, giá vé và một số quy định khác. Khi mua vé hành khách phải xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân hợp lệ, khi hành khách đi tàu phải có “thẻ lên tàu hỏa” hợp lệ và có thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin trên thẻ mới được đi tàu.
Về hiện tượng hành khách khi mua vé online trên website của ngành đường sắt được báo hết vé, nhưng khi mua tại ga thì vẫn được, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm giải pháp dịch vụ vận tải hành khách lý giải, đối với một số hành trình khách có nhu cầu cao, vé luôn trong tình trạng khan hiếm, trên website bán vé có quá nhiều đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có nhiều toa xe, loại chỗ nên việc khách hàng tìm được vé online là rất vất vả.
Trong khi đó ở ga, phần lớn thư ký cửa vé tại các ga đều nắm rất chắc tình hình vé trả trên hệ thống nên việc tìm vé cho khách có nhu cầu sẽ nhanh hơn rất nhiều so với khách tự tìm vé trên hệ thống online. Ngoài ra, hầu hết các hành trình vẫn luôn có một lượng vé trả vào hệ thống hằng ngày dù không nhiều, nên nếu khách đến ga hoặc đại lý bán vé của đường sắt để lại nhu cầu thì các nhân viên bán vé vẫn có thể theo dõi vé trả để thực hiện đặt giữ chỗ cho khách.
Vé tàu Tết đã bắt đầu hết
Liên quan đến tình hình vé tàu Tết Nguyên đán 2017, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, tính đến ngày 20/12/2016, ngành đường sắt còn khoảng 263.216 chỗ tàu Tết. Trong đó, còn khoảng 116.000 vé chiều TPHCM đi tất cả các ga giai đoạn trước Tết (từ ngày 17 đến 26/1/2017, tức ngày 20 đến 29 tháng Chạp âm lịch) và hơn 147.000 chỗ chiều Hà Nội đi các ga giai đoạn sau Tết (từ ngày 31/1/2017 đến 12/2/2017, tức ngày 4 đến 16 tháng Giêng âm lịch).
Tuy nhiên, trong số 116.000 vé tàu còn (bao gồm cả ghế chính và ghế phụ), chủ yếu là lượng vé có thời gian đi tàu rơi vào các ngày 17, 18, 19/1/2017 (tức ngày 20, 21, 22 tháng Chạp âm lịch). Trong đó, chủ yếu nằm ở đầu Hà Nội với khoảng 50.000 vé. Theo lý giải, giai đoạn trước Tết, lượng khách đi từ Hà Nội vào Sài Gòn thường ít hơn và đây cũng là thông lệ hằng năm. Còn những ngày cao điểm (từ ngày 23 đến ngày 29 tháng Chạp âm lịch) thì hiện nay chỉ còn rải rác.
Còn thông tin từ phía Trung tâm giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (Tập đoàn FPT) cho thấy, từ ga Sài Gòn (và các ga lân cận) đi ra miền Trung (Đà Nẵng, Huế) trong khoảng thời gian từ 17/1/2017 đến 25/1/2017 vẫn có thể mua được vé ngồi cứng, ngồi mềm. Vé nằm trên đoạn tuyến này luôn trong tình trạng hết vé, khi có vé trả vào hệ thống là có người mua ngay. Hành trình đến các ga miền Bắc (từ Vinh ra Hà Nội) vẫn còn một lượng khoảng 300-350 vé nằm, 2.000 vé ngồi
Từ ga Hà Nội đi về các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ trong khoảng thời gian từ 17-25/1/2017 gần như luôn trong tình trạng hết vé. Lượng vé còn lại tập trung từ Hà Nội đi các tuyến phía tây như Lào Cai còn khoảng 1.000 vé nằm và 500 vé ngồi; từ ga Hà Nội đi các tỉnh Đông Nam Bộ trong khoảng thời gian từ 31/1/2017 đến 12/2/2017 còn khoảng 2.000 vé giường nằm, 8.000 vé ngồi.
Vì vậy, theo khuyến cáo của VNR, người dân có thể chọn đi sớm hơn, tức từ ngày 22 tháng Chạp âm lịch trở về trước thì hiện vẫn còn vé. Những trường hợp có nhu cầu đi từ ngày 23 đến 29 tháng Chạp âm lịch, cũng nên truy cập thường xuyên trên website bán vé tàu của ngành đường sắt để theo dõi đặt chỗ, vì có một số trường hợp sau khi đặt chỗ rồi không có nhu cầu đi nữa nên trả lại, khi đó ngành đường sắt sẽ đưa số chỗ này lên mạng để người dân đặt chỗ.