Xuất hiện hạn chế, thách thức mới về dân số, lao động

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực về chỉ tiêu dân số, lao động, song cũng có không ít hạn chế/thách thức dưới các góc nhìn khác nhau.
Xuất hiện hạn chế, thách thức mới về dân số, lao động

Kết quả tích cực

Việt Nam có quy mô dân số đông trên thế giới. Dân số trung bình tính đến cuối năm 2021 đạt gần 99 triệu người, đứng thứ 3 Đông Nam Á, thứ 8 châu Á, thứ 14 thế giới. Theo tính toán sơ bộ, năm 2022 là 99,44 triệu người, năm 2025 là 103,1 triệu người, 2030 là 107,3 triệu người, 2045 là 123,6 triệu người - có thể đông hơn một số nước đang đông trên thế giới. Quy mô này là một trong những yếu tố hấp dẫn về đầu tư, thương mại nước ngoài đối với Việt Nam.

Cơ cấu dân số có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Việt Nam vẫn còn nằm trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, cần tranh thủ các cơ hội do cơ cấu này mang lại, ngăn ngừa nguy cơ cơ cấu dân số già. Tỷ trọng dân số thành thị liên tục tăng lên (hiện đã 37,12%). Cơ cấu lao động theo loại hình kinh tế chuyển dịch theo hướng: tỷ trọng lao động của khu vực nhà nước giảm, của khu vực doanh nghiệp, dân doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng lên, phù hợp với chuyển đổi cơ chế sang kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập.

Cơ cấu lao động theo nhóm ngành kinh tế theo xu hướng: tỷ trọng của nông, lâm nghiệp - thủy sản giảm (hiện xuống còn 28,9%), của công nghiệp - xây dựng tăng (hiện đạt 33,2%), của dịch vụ tăng (hiện đạt 37,9%) - phù hợp với xu hướng chuyển từ nước nông nghiệp sang nước công nghiệp. Cơ cấu lao động đang làm việc phân theo nghề nghiệp chuyển dịch theo hướng tỷ trọng của nghề chuyên môn kỹ thuật bậc cao tăng (hiện đạt 7,96%); của nghề nông, lâm, ngư nghiệp giảm (hiện còn 7,35%); của nghề giản đơn giảm (còn 22,17%). Cơ cấu lao động theo vị thế việc làm chuyển dịch theo hướng làm công ăn lương tăng (hiện đạt 48,41%), tự làm giảm (hiện còn 36,49%) - phù hợp với cơ chế thị trường…

Sức khỏe dân số có cải thiện. Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh tăng và hiện đạt ở mức cao (73,7 tuổi); cao hơn mức bình quân chung của thế giới (73), đứng thứ 5 Đông Nam Á, thứ 26 châu Á, thứ 87/123 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuổi thọ cao góp phần làm cho Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam cao hơn những nước có GNI bình quân đầu người cao hơn…

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (có bằng cấp) tăng từ 10,3% năm 2000 lên 24,1% năm 2020; ở trình độ chuyên môn kỹ thuật dạy nghề 4,7%, trung cấp chuyên nghiệp 4,4%, cao đẳng 3,8%, đại học trở lên 11,1% - đều cao hơn các năm trước.

Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại cao, đạt được trên 5% trong mấy năm trước, chỉ chậm lại khi đại dịch xảy ra, số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng, tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.

Hạn chế, thách thức

Hạn chế, thách thức lớn là cơ cấu dân số vàng đang qua nhanh, cơ cấu dân số già đến nhanh và hiện đan xen, làm cho đất nước đứng trước nguy cơ “chưa giàu đã già”. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc giảm trong dân số gần như liên tục trong mấy năm qua (từ 58,2% năm 2013, xuống 57,6% năm 2015, còn 54,9% năm 2020 và còn 49,8% năm 2021 - lần đầu tiên xuống dưới 50%, tức là một người làm phải nuôi 2 người).

Tỷ trọng trong tổng số lao động đang làm việc của số lao động từ 15-29 tuổi giảm (từ 31% năm 2010 xuống còn 22,1% năm 2020), của số lao động từ 45 tuổi trở lên tăng (từ 20,54% lên 37,8%). Nguyên nhân chính là tỷ lệ sinh, tỷ lệ tăng tự nhiên và tỷ lệ tăng chung giảm.

Hạn chế, thách thức lớn khác là năng suất lao động còn thấp (năm 2021 tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái mới khoảng 7.386 USD/người, thấp xa so với nhiều nước). Nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; tỷ trọng lao động của nông, lâm nghiệp - thủy sản còn cao (trong khi năng suất lao động thấp chỉ bằng 37,4% của công nghiệp - xây dựng). Lao động trong nông nghiệp ở một số nơi vẫn chủ yếu là “lấy công làm lãi”; lao động trong công nghiệp ở nhiều ngành nghề, doanh nghiệp còn mang nặng tính gia công, lắp ráp; lao động trong dịch vụ còn có tính kiêm nhiệm.

Một hạn chế, thách thức mới xuất hiện là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng. Năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp là 3,22%, cao nhất so với hàng chục năm trước do ảnh hưởng của đại dịch. Tỷ lệ thiếu việc làm năm 2021 ở mức 3,1%, cao nhất so với hàng chục năm trước, trong đó thành thị cao hơn nông thôn (3,33% so với 2,96%). Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi chính phủ còn ở mức khá cao (trên 50%)...

Tin bài liên quan