Chủ đầu tư nhiều dự án khủng
Ngày 7/12/2020, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã nhận được bộ hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán của Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái. Chứng khoán niêm yết là trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng đăng ký niêm yết là 495 trái phiếu.
Công ty Xuân Thiện Yên Bái có vốn điều lệ đăng ký 2.800 tỷ đồng, vốn điều lệ thực góp 2.535 tỷ đồng.
Thông tin trên một lần nữa thu hút sự chú ý của các thành viên thị trường, khi nguồn vốn mà các công ty có liên quan tới Xuân Thiện Group huy động được thông qua phát hành trái phiếu để đổ vào lĩnh vực năng lượng là rất lớn.
Theo số liệu tại HNX, từ ngày 25/6 - 28/8/2020, nhóm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Xuân Thiện đã huy động tổng cộng gần 13.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Các doanh nghiệp này gồm Công ty Ea Súp 1, Ea Súp 2, Ea Súp 3, Ea Súp 5, Xuân Thiện Đắk Lắk, Xuân Thiện Ninh Thuận, Xuân Thiện Thuận Bắc và Công ty TNHH Năng lượng Sơn La. Trong đó, nhóm Ea Súp (được giao đầu tư, vận hành Dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, Đắk Lắk) huy động được 7.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Xuân Thiện còn thông qua 2 công ty thành viên là Công ty Xuân Thiện Ninh Thuận và Công ty Xuân Thiện Thuận Bắc thực hiện Dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc (giai đoạn 1 và 2) tại xã Bắc Phong, tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích 256,4 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Ngày 28/8/2020, hai công ty này đã phát hành thành công 3.290 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 1 - 10 năm.
Các doanh nghiệp trên đều do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình và ông Nguyễn Văn Thiện góp vốn nắm tỷ lệ chi phối. Trong khi đó, cá nhân ông Thiện sở hữu 70% vốn Xuân Thiện Ninh Bình.
Các công ty này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực đầu tư điện mặt trời. Trong đó, Xuân Thiện Ninh Thuận và Xuân Thiện Thuận Bắc triển khai dự án có quy mô 200 MW tại Ninh Thuận, còn nhóm các công ty Ea Súp triển khai dự án tại Đăk Lăk.
Ông Thiện cũng là Chủ tịch của Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam (Xuân Thiện Group), doanh nghiệp chủ đầu tư cụm dự án Điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
Một trong những dự án gây chú ý nhất của sinh thái Xuân Thiện là Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á và lớn thứ hai thế giới.
Cụ thể, giai đoạn 1 (đến năm 2020), Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình sẽ đầu tư xây dựng cụm dự án điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp gồm 5 nhà máy từ nhà máy số 1 đến nhà máy số 5, quy mô là 875,28 ha, tổng công suất 600 MW/830 MWp, tổng mức đầu tư là 15.400 tỷ đồng. Chủ đầu tư là các công ty cổ phần Ea Súp từ 1-5.
Đáng chú ý, giai đoạn 1 của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Giai đoạn 2 dự án được thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch điện mặt trời đủ 2.000 MW, Công ty sẽ đầu tư xây dựng cụm nhà máy điện mặt trời (10 nhà máy) tổng công suất là 1.400 MW.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk sẽ thực hiện Dự án nông lâm nghiệp thuộc cụm dự án Điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp trên diện tích 4.180 ha, với tổng số vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng trong thời hạn 50 năm theo 2 giai đoạn.
Vào giữa tháng 11/2020, Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp chính thức đóng điện thành công giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu triển khai vào năm 2021.
Dấu hỏi năng lực triển khai
Hệ sinh thái Xuân Thiện đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào các dự án năng lượng, nhưng hiệu quả hoạt động của các dự án vẫn là điều giới đầu tư phải tò mò. Nguyên nhân một phần bởi các công ty này chưa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, nên thông tin công bố rất hạn chế.
Năng lượng tái tạo hiện đang là lĩnh vực hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi chính sách giá mua khuyến khích đầu tư (FIT).
Trong thời gian qua, xu hướng huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng diễn ra mạnh mẽ ở nhóm doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo.
Thống kê của SSI Research nửa đầu năm cho thấy, nhóm năng lượng và khoáng sản phát hành 10.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, gấp 5,3 lần cùng kỳ 2019. Trong đó, các ngân hàng thương mại tập trung mua các trái phiếu doanh nghiệp năng lượng.
Dù huy động nguồn vốn lớn trên thị trường chứng khoán, nhưng so với quy mô vốn đầu tư của các dự án mà Xuân Thiện đang sở hữu, có dự án có quy mô đầu tư lên tới 50.000 tỷ đồng, thì đây vẫn là con số nhỏ.
Thực tế cho thấy, dù sở hữu danh mục dự án lớn, nhưng Xuân Thiện mới hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Ea Súp.
Xu hướng đáng chú ý gần đây là nhiều doanh nghiệp Việt Nam xin cấp phép, đầu tư dự án năng lượng tái tạo, sau đó hoàn thành các thủ tục đầu tư, kêu gọi nguồn vốn ngoại và chuyển nhượng cho các đối tác nước ngoài.
Theo đó, các công ty nước ngoài có thể sở hữu dự án điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam, tận hưởng chính sách ưu đãi giá điện trong thời gian có thể tới 20 năm. Trong khi nhà đầu tư trong nước được hưởng khoản lợi nhuận không nhỏ sau một thời gian ngắn.
Mới đây, Super Energy - doanh nghiệp niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) đã chi 457 triệu USD để mua lại 4 dự án điện mặt trời gồm: Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW). Đây là các dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Cả 4 công ty điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3 và 4 được thành lập từ tháng 10/2018.
Hay Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) đã nâng sở hữu từ 49% vốn lên 90% tại 2 nhà máy điện mặt trời TTC1 và TTC2 tại Tây Ninh. Công ty Gunkul Engineering (Thái Lan) chi 39,9 triệu USD để thâu tóm Công ty cổ phần Đầu tư Đoàn Sơn Thuỷ, chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Phong Điền II.
Ngoài Thái Lan, nhiều nhà đầu tư đến từ Singapore, Trung Quốc, Philippines... cũng sở hữu hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam thông qua hình thức mua cổ phần, liên doanh.
Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020, PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, cần rà soát lại các điều kiện đầu tư những dự án năng lượng tái tạo, đồng thời ngăn chặn ngay việc nhà đầu tư không đủ năng lực, chưa làm/làm thủ tục xong bán cho nước ngoài vì việc chuyển giao dự án cho nước ngoài sẽ gây ra rủi ro rất lớn.
Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái đi vào hoạt động kể từ cuối năm 2011, với ngành nghề chính là sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Theo thông tin từ trang tra cứu mã số thuế, người đại diện của Công ty Xuân Thiện Yên Bái là Mai Xuân Hương. Cá nhân này cũng là đại diện của các doanh nghiệp bao gồm chi nhánh Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái tại Ninh Bình, Công ty TNHH Thuỷ điện Sông Lô Bắc Quang; Công ty TNHH Thuỷ điện Sông Lô Vị Xuyên, Công ty cổ phần Xuân Thiện Thuận Bắc, Công ty cổ phần Xuân Thiện Khao Mang, Công ty TNHH Thuỷ điện Ngòi Hút 89.
Công ty Xuân Thiện Yên Bái có một số dự án thuỷ điện tại Yên Bái bao gồm Khao Mang, Khao Mang Thượng nằm trên suối Nậm Kim, huyện Mù Cang Chải; Thác Cá I, Thác Cá II, Đồng Sung nằm trên Ngòi Thia thuộc huyện Văn Chấn và huyện Văn Yên; Ngòi Hút 8, Ngòi Hút 9 nằm trên dòng Ngòi Hút. Trong đó có hai nhà máy thủy điện Khao Mang và Khao Mang Thượng đã phát điện.