Trong lịch sử hiện đại, thế giới chưa bao giờ phải chứng kiến những thách thức dai dẳng và to lớn đến thế. Ngay sau cuộc khủng hoảng Covid-19 gây đứt đoạn giao thương và cuộc sống của mọi người; năm 2022, kinh tế thế giới đứng trước các tình huống mới, thách thức mới. Với tâm điểm là các xung đột địa chính trị, lạm phát phi mã và thắt chặt tiền tệ, viễn cảnh của một cuộc suy thoái kép, càng về cuối năm càng được nhắc đến nhiều hơn...
Với độ mở lớn vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam không đứng ngoài vòng xoáy khó khăn ấy. Các vấn đề toàn cầu còn phần nào làm rõ hơn những nút thắt cổ chai đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Khó khăn gõ cửa từng tế bào của cơ thể kinh tế.
Lẽ đương nhiên, những gian lao ấy cũng phản ánh rất rõ lên thị trường chứng khoán. Hàn thử biểu của nền kinh tế năm qua dạo những bè trầm, lặng lẽ nhưng vô cùng khốc liệt. Chỉ số VN-Index nếu tính từ ngày 1/1/2022 đến ngày cuối cùng của năm đã mất tới hơn 32% giá trị... Những phiên giao dịch đỏ lửa đã trở nên quen thuộc, cùng với khó khăn nặng nề của các thành viên thị trường.
Nhưng "lửa thử vàng, gian nan thử sức" chính là ở chỗ này. Trong lịch sử, không có quốc gia nào, dân tộc nào hay gọn hơn, một lĩnh vực kinh tế nào đạt được sự phát triển liên tục và bền vững lại không trải qua những khúc quanh, khúc trầm nghiệt ngã, những cơn đau lột xác để trưởng thành.
Cho nên, cái mới được trông chờ trong năm Quý Mão này không chỉ là vượt qua những khó khăn, trở lực từ đâu đó bên ngoài biên giới, mà là nhìn ra những gì còn non nớt, yếu kém nội tại để vào cuộc,hành động với tâm thế của người biết thích ứng và vượt lên hoàn cảnh.
Đặc biệt, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hầu hết do tác động từ các yếu tố khách quan như nhập khẩu lạm phát, tỷ giá, đứt gãy giao thương…, các doanh nghiệp Việt đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt, khát vọng vươn lên. Rất nhiều doanh nghiệp đi qua năm 2022 một cách đầy tự hào trong thời khắc khó khăn nhất.
Trong bối cảnh hoạt động giao thương và tình hình địa chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, Việt Nam đang có vị thế tốt để trở thành bến đỗ an toàn của dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp quốc tế vào năm 2023 và xa hơn.
Với tầm nhìn dài hạn, báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vào đầu tháng 1/2023 vừa qua đã đưa ra kịch bản tăng trưởng GDP bình quân đạt 7% cho giai đoạn 2021 - 2030, thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.500 USD và xa hơn, đến năm 2050, thu nhập bình quân đầu người đạt 27.000 - 32.000 USD.
Trong đó, thị trường chứng khoán với tư cách là kênh dẫn vốn quan trọng cho một nền kinh tế đang phát triển với tốc độ cao và khát vốn như nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng chứng tỏ được sự trưởng thành. Cũng như chú cá chép can đảm muốn biến ước mơ hóa rồng thành sự thật sẽ phải vượt qua những cơn sóng lừng của vũ môn.
Vững tay chèo khi sóng cả, gió to bằng bản lĩnh, sự thích ứng và hành động quyết liệt, chắc chắn thành quả sẽ sớm đến với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và mỗi thành viên thị trường.