VN-Index kiểm nghiệm thành công ngưỡng kháng cự 1.265 điểm
Tuần qua, VN-Index đóng cửa tại 1.276,6 điểm, ghi nhận mức tăng 1,7%. Giá trị giao dịch trung bình quanh mức 19.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với 1 tháng trước đó. Sự sụt giảm về mặt thanh khoản đưa ra tín hiệu thận trọng trong giai đoạn sắp tới của thị trường chung.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, nhất là phiên cuối tuần, quay lại xu hướng bán mạnh khi áp lực tỷ giá gia tăng.
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng đang có tác động mạnh mẽ và diễn biến tích cực nhất thị trường. Với sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, tâm lý thị trường được củng cố và kỳ vọng sẽ lan tỏa trong các phiên giao dịch tiếp theo.
Về yếu tố kỹ thuật, VN-Index đã vượt lên kiểm nghiệm thành công vùng kháng cự 1.265 điểm, qua đó phá xu thế giảm - được xác nhận khi mẫu hình “khoảng trống giá kiệt sức” xuất hiện.
Với nhịp tăng mới dần hình thành, VN-Index mở ra khả năng hướng đến vùng kháng cự trước đó tại 1.300 điểm. Các yếu tố rủi ro vẫn còn như sức ép bán ròng của khối ngoại cùng với tâm lý thận trọng của giới đầu tư trong môi trường vĩ mô toàn cầu biến động khiến thanh khoản suy giảm là các yếu tố cần quan sát kỹ trong giai đoạn sắp tới.
Tỷ giá tăng mạnh, nhưng chưa quá tiêu cực
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng, tác động tiêu cực đến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán. Xu hướng bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại trên thị trường diễn ra trong nhiều tuần, ảnh hưởng không nhỏ đến điểm số của VN-Index trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, những số liệu vĩ mô của Mỹ có thể khiến thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất điều hành dời lại về giai đoạn cuối năm 2024, so với kỳ vọng trước đây về lần hạ lãi suất đầu tiên được thực hiện từ tháng 6 năm nay.
Biến động tỷ giá khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tùy theo đặc thù từng ngành mà tác động của tỷ giá tăng sẽ có sự phân hóa.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, khi tỷ giá tăng, giá trị đồng USD so với VND tăng lên. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ nhận được nhiều VND hơn khi bán hàng hóa bằng USD. Doanh thu tăng kết hợp với chi phí sản xuất (thường được thanh toán bằng VND) không đổi sẽ dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu tăng lên. Tiêu biểu cho nhóm này có thể kể đến doanh nghiệp thủy sản, hóa chất, cao su. Các doanh nghiệp dầu khí có mức giá niêm yết bằng USD cũng được hưởng lợi trong xu hướng này.
Ngược lại, các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ xu hướng tỷ giá tăng có thể kể đến một số doanh nghiệp trong ngành nhựa, có tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu cao, hay các doanh nghiệp điện khí đang mua khí đầu vào bằng đồng USD có thể ghi nhận chi phí tăng lên. Nhóm doanh nghiệp thép và tôn mạ chịu tác động tương đối trung lập, khi nguyên liệu nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu vào, nhưng có cơ cấu xuất khẩu tương đối cao ở một số doanh nghiệp.