Xử rắn vi phạm khuyến mại bảo hiểm xe máy

Xử rắn vi phạm khuyến mại bảo hiểm xe máy

(ĐTCK) Xử nghiêm các DN bán phá giá bảo hiểm xe máy bắt buộc cũng là trả sự công bằng về cho các DN còn lại.

Xử rắn vi phạm khuyến mại bảo hiểm xe máy ảnh 1

Liên tiếp những đợt “vào cuộc” gần đây của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) để xử lý những sai phạm trong hoạt động bán khuyến mại bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe mô tô, xe máy (tạm gọi là bảo hiểm xe máy bắt buộc) đã “đánh động” nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, thị trường còn kỳ vọng nhiều hơn thế.

Gần đây nhất, lãnh đạo 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã bị cơ quan này “nhắc nhở” về việc tên của 2 hãng bảo hiểm trên được ngang nhiên treo biển quảng cáo bán bảo hiểm khuyến mại sai quy định trên đường ở khu vực phía Nam.

Hồi tháng 4, một vài doanh nghiệp bảo hiểm khác thuộc top đầu về doanh số bảo hiểm xe máy cũng bị Cục gọi lên để cảnh báo về việc này. Trước đó, đoàn kiểm tra tại khu vực miền Trung của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cũng đã phát hiện ra những sai phạm và đưa ra những hình thức xử phạt nặng đối với giám đốc các doanh nghiệp có đại lý làm sai quy định.

Theo ghi nhận của ĐTCK, để phục vụ cho công tác quản lý, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã có buổi làm việc với các ban nghiệp vụ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) để thống nhất tập hợp số liệu thị trường liên quan đến bảo hiểm xe cơ giới trong 3 năm gần nhất (2010, 2011 và 2012) như doanh thu phí ra sao, lỗ lãi thế nào. Cơ sở dữ liệu này sẽ là căn cứ để theo dõi và chấn chỉnh hoạt động bảo hiểm xe cơ giới nói chung, xe máy nói riêng.

Sau những động thái siết chặt hoạt động quản lý, giám sát của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm đã nhìn nhận lại kỹ hơn năng lực quản lý đại lý của mình (rà soát lại đại lý và cộng tác viên của đại lý) và bắt đầu quan tâm đến năng lực bồi thường và công tác chăm sóc khách hàng. Đó là sự trở lại của các doanh nghiệp bảo hiểm với ý nghĩa sâu xa của các sản phẩm bảo hiểm - hay là bản chất của bảo hiểm. Theo đó, để đảm bảo đúng, đủ ý nghĩa của sản phẩm bảo hiểm, phí bảo hiểm không thể thấp hơn một mức nhất định.

Chia sẻ với ĐTCK sau khi bị Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm gọi lên “điều trần”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, Công ty đang tiến hành các thủ tục điều tra trong các đơn vị phía Nam để xác định rõ xem việc bán khuyến mại bảo hiểm bắt buộc xe máy sai quy định có do đại lý làm hay không. Lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng bị cơ quan quản lý  “tuýt còi” cho biết, Công ty ông đã lập ngay tổ kiểm tra các đại lý, đề nghị dỡ biển quảng cáo, xác định bộ phận vi phạm để xử lý nghiêm.

Một điểm chung được 2 doanh nghiệp kể trên chia sẻ là việc bán phá giá chủ yếu do lực lượng cộng tác viên của đại lý là các học sinh/sinh viên thực hiện, trong khi các đơn vị thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm khó có thể quản lý đến từng “chân rết” cộng tác viên.

Liên tiếp các động thái “cứng rắn” của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã phần nào cho thấy nỗ lực nhiều hơn của cơ quan này trong công tác quản lý thị trường. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, nhất là những doanh nghiệp bảo hiểm chấp hành nghiêm chỉnh quy định về bán bảo hiểm xe máy bắt buộc.

Thị trường vẫn kỳ vọng các biện pháp cứng rắn hơn nữa của cơ quan quản lý trong việc xử phạt (như cách chức lãnh đạo hay đình chỉ việc bán bảo hiểm) và chủ động công khai các vi phạm bán bảo hiểm khuyến mại sai quy định của các doanh nghiệp bảo hiểm (dù vi phạm đó do đại lý hay cộng tác viên gây ra). Trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý giám sát (hệ thống phần mềm giám sát, cảnh báo sớm các rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, hệ thống kết nối số liệu với doanh nghiệp bảo hiểm) còn thô sơ, lạc hậu (như thừa nhận của chính Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm) thì việc xử lý nghiêm các vi phạm đã được phát hiện là rất cần thiết, nhằm nâng cao tính răn đe.