Sáng 8/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phần tranh luận.
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (bị tòa sơ thẩm xử phạt 12 năm tù, bồi thường 146 tỷ đồng) trình bày 10 nội dung chứng minh vô tội.
Bị cáo cho rằng, chủ trương bán nhà, đất công sản có từ các đời Chủ tịch tiền nhiệm. Bị cáo chỉ thực hiện việc ký thay, ký theo quy định của Luật Tổ chức HĐND, UBND…
Cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng cho rằng, quan hệ giữa ông và ông Trần Văn Minh là cấp trên và cấp dưới, việc tiếp nhận ý chí của ông Minh là công việc. Việc tòa sơ thẩm quy kết bị cáo đồng phạm với ông Minh là không đúng. Bị cáo đề nghị tòa tuyên ông không phạm tội và bồi thường dân sự.
Bào chữa cho bị cáo Chiến, luật sư cho rằng, vụ án còn bỏ lọt tội phạm. Luật sư đề nghị tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Bị cáo Đào Tấn Bằng, cựu Phó chánh Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, mức án 18 tháng tù là quá nặng. Trước đó, bị cáo Trần Văn Minh từng kêu oan cho bị cáo Bằng. Cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng cho rằng, bị cáo Bằng chỉ chấp hành theo chỉ đạo, không tham mưu, đề xuất cho ông về việc ra chủ trương chuyển nhượng nhà đất cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 không qua đấu giá; không tham mưu, đề xuất văn bản cho phép đổi tên người nhận chuyển nhượng từ CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 sang cho cá nhân Phan Văn Anh Vũ.
Tự bào chữa trước tòa, hầu hết các bị cáo nguyên là lãnh đạo các sở, phòng, ban của Đà Nẵng đều xin được giảm nhẹ hình phạt. Các bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn (cựu Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng), Phan Xuân Ít (cựu Phó chánh Văn phòng) và Nguyễn Công Lang (cựu Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng) trước đó kháng cáo kêu oan thì nay xin thay đổi nội dung kháng cáo sang xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Văn Hữu Chiến.
Vẫn lấn cấn thiệt hại 22.000 tỷ đồng
Về cách tính thiệt hại, luật sư Phan Thị Lệ Tuyên cho rằng, tinh thần Quyết định giám đốc thẩm ngày 5/12/2019 trong vụ án Phan Văn Anh Vũ phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, có nêu “xác định thiệt hại tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội”.
Luật sư đặt giả thiết, tại thời điểm có hành vi phạm tội, nếu giá nhà đất là 10 đồng, đến khi khởi tố vụ án, xét xử, thi hành án, giá này tụt xuống còn 5 đồng. Vậy HĐXX có tuyên trách nhiệm dân sự theo giá 5 đồng không? Số tiền dôi ra 5 đồng sẽ xử lý như nào?
“Đất đai có những đặc thù riêng, khác hẳn các động sản, tài sản khác. Khi xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, khoản 3, 4, Điều 56, Luật Đất đai 2003 quy định lấy khung giá nhà nước làm cơ sở khắc phục hậu quả. Như vậy, việc áp dụng các nguyên tắc của Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh Thương mại có phù hợp”, luật sư phân tích.
Khu đất 29 ha Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước là dự án Nhà nước bị xác định thiệt hại hơn 11.000 tỷ đồng. Luật sư cho rằng, giá trị thiệt hại và trách nhiệm dân sự (nếu có) thì cần phải tách bạch dòng tiền của UBND TP. Đà Nẵng và chủ đầu tư (Công ty TNHH Daewon Cantavil) và CTCP Xây dựng Bắc Nam 79.
“UBND TP. Đà Nẵng không đầu tư 1 đồng vốn nào cho dự án này, mà chỉ chuyển giao quyền sử dụng mặt nước biển 24 ha. Loại hình này không có khung giá đất hàng năm, không nằm trong bảng phân lại đất của Luật Đất đai và không phải là đối tượng mà Luật Đất đai chi phối. Đây chính là cái bất cập, vướng mắc nhất của vụ án”, luật sư nói thêm.
Theo bản án sơ thẩm, ngoài trách nhiệm hình sự, tòa buộc 12 bị cáo phải bồi thường từ hàng trăm triệu đồng - hàng nghìn tỷ đồng.
Bị cáo Phan Văn Anh vũ phải bồi thường 3.109 tỷ đồng; Trần Văn Minh 396 tỷ đồng, Văn Hữu Chiến 146 tỷ đồng; Nguyễn Ngọc Tuấn 29 tỷ đồng, Phan Minh Cương 25 tỷ đồng, Phan Xuân Ít 159 tỷ đồng, Nguyễn Viết Vĩnh 95 tỷ đồng, Nguyễn Thanh Sang 38 tỷ đồng, Trần Phi 441 triệu đồng...