Xử phạt sử dụng nhà trái phép: Khó!

Xử phạt sử dụng nhà trái phép: Khó!

(ĐTCK) Dù còn chờ thông tư hướng dẫn cụ thể của Bộ Xây dựng, nhưng từ phản ứng của người dân và động thái của các cơ quan quản lý địa phương, xem ra, việc xử phạt người dân sử dụng nhà chung cư làm cửa hàng, quán ăn… rất khó triển khai.

 Xử phạt sử dụng nhà trái phép: Khó! ảnh 1

Các cơ quan quản lý địa phương lúng túng với quy định xử phạt hành vi sử dụng nhà chung cư để kinh doanh

 

Cơ quan thực hiện lúng túng

Ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 121/2013/NĐCP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản… sẽ được ban hành vào đầu tháng 12/2013. Lý do thông tư ra đời chậm so với hiệu lực thi hành của Nghị định (ngày 30/11/2013) là do phải xin ý kiến thêm trước khi đưa ra hướng dẫn chính thức.

Các ý kiến cho rằng, một số bất cập trong Nghị định như phạt chứ không cấm kinh doanh nhà hàng, quán bar, karaoke tại các chung cư; phạt đối với hành vi quảng cáo thương mại nơi công sở… nếu không được cụ thể hóa sẽ khó đi vào thực tế. Ngay các cơ quan quản lý và trực tiếp thực hiện cũng chưa biết phải đưa ra quyết định xử lý thế nào.

Ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, phải đợi thông tư hướng dẫn cụ thể xem chi tiết từng loại xử phạt thế nào mới triển khai được. Đồng Nai đã thành lập Phòng Thanh tra xây dựng, được trang bị đầy đủ, đảm bảo cho công tác thanh tra xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, quan điểm của Sở là hướng dẫn, nhắc nhở người dân trước khi thực hiện quyết định hành chính.

“Nghị định đưa ra là để cơ quan công quyền và người dân thực hiện tốt hơn, chứ không phải mục tiêu là thu tiền phạt. Đối với trường hợp cố tình vi phạm, thì Nghị định là công cụ để thanh tra thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình”, ông Hoàng cho biết.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Trọng Kim, Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho biết, vấn đề kinh doanh nhà hàng, quán bar hay karaoke tại chung cư thường có nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, còn tại TP. Vinh thì gần như không có, chỉ có vài cửa hàng tiện dụng.

“Khi có thông tư hướng dẫn cụ thể đối với các hộ kinh doanh, Sở sẽ phối hợp với cơ quan chức năng thông báo trước quy định và mức phạt để hộ kinh doanh lựa chọn. Chả ai dại gì đi tìm vị trí kinh doanh mà nay bị phạt, mai bị phạt, nên sẽ hạn chế tối đa việc kinh doanh quán bar hay karaoke ở chung cư”, ông Kim nhận định.

Tuy nhiên, cả ông Hoàng và ông Kim đều băn khoăn, những hộ kinh doanh từ trước đến nay không ảnh hưởng đến cuộc sống của dân chung cư, nhưng nay lại có trong khung phạt thì sẽ rất khó xử lý.

 

Và phản ứng của người dân

Trong khi tại các tỉnh, thành nhỏ không chịu nhiều sức ép về vấn đề xử phạt người dân sử dụng nhà chung cư làm nhà hàng, quán bar, karaoke, thì ở Hà Nội và TP. HCM lại có nhiều chuyện để bàn. Dù chưa có phát ngôn chính thức từ thanh tra xây dựng của 2 thành phố này, nhưng từ phản ứng của người dân đã báo hiệu những khó khăn đối với các cơ quan thanh tra xây dựng địa phương khi triển khai thực hiện Nghị định 121.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đánh giá, đối với hoạt động kinh doanh gây mất trật tự và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì phải cấm hẳn, chứ phạt rồi cho tồn tại thì rõ ràng là tận thu. Người dân trong chung cư không được hưởng lợi gì từ các khoản phạt đó, trong khi họ vẫn bị ảnh hưởng bởi các hoạt động kinh doanh này. Còn đối với kinh doanh cửa hàng tiện ích hay quán cà phê nhỏ, quán ăn nhỏ thì xử phạt không dễ.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Thủ Đức cho biết, tất cả các chung cư do Công ty xây dựng đều thiết kế ngay từ đầu cho mặt bằng kinh doanh phía dưới, nên nghiễm nhiên không thể xử phạt. Có phạt là phạt các trường hợp không có trong thiết kế, nên đơn vị không quan tâm nhiều đến vấn đề này.

Có lẽ “náo loạn” nhất vẫn là các chung cư cũ, các chung cư tái định cư, các chung cư đã tồn tại mô hình này trước khi Nghị định 121 ra đời.

Dạo một vòng xung quanh các chung cư như Phan Xích Long, Phan Tây Hồ, Nguyễn Kiệm… (quận Phú Nhuận), Miếu Nổi (quận Bình Thạnh), Võ Văn Tần (quận 3), Lạc Long Quân (quận 11) thì đều thấy, quán cà phê, cửa hàng kinh doanh mọc lên nhan nhản, tuy nhiên, hầu hết các hộ kinh doanh đều không biết gì về việc xử phạt trên, một vài hộ có nghe nói nhưng chả quan tâm.

Khi phóng viên hỏi, nếu bị phạt thì tính sao? Chủ một quán cà phê nổi đóa: “Tôi bán quán này ở đây hơn chục năm, nghĩa vụ với Nhà nước đóng đầy đủ, chưa kể đến nghĩa vụ với phường, khối phố. Cả cái chung cư mấy trăm hộ dân không ai phàn nàn tiếng nào, sao bảo phạt là phạt”. Đồng tình với phản ứng trên, nhiều hộ kinh doanh khẳng định, “cứ đến phạt thử coi”!?…

Không chỉ có hộ kinh doanh bất bình, người dân sống ở các chung cư này cũng phản ứng không kém: “Hàng quán ở đây tiện lợi, cũng không ảnh hưởng gì, chúng tôi ở đây đã mười mấy năm, không kêu thì thôi, mắc mớ gì mấy ổng mà đến phạt”.

>> Những văn bản luật ban hành cho có!

>> Phạt sử dụng nhà ở: Kẻ khóc, người cười