Ông Phạm Đình Trọng

Ông Phạm Đình Trọng

Xử phạt nặng các trường hợp khuyến mại bảo hiểm trách nhiệm

(ĐTCK) Trong số báo 119, ra ngày 3/10, Đầu tư Chứng khoán đã có bài “Loạn khuyến mại phí báo hiểm xe máy bắt buộc” phản ánh tình trạng đăng quảng cáo giảm phí bảo hiểm xe máy bắt buộc trên nhiều trang mạng.

Đầu tư Chứng khoán xin đăng bài phỏng vấn ông Phạm Đình Trọng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý & giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) về vấn đề này.

Thưa ông, trong khi luật quy định rất rõ rằng, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) không được khuyến mại dưới mọi hình thức đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới thì vẫn còn trường hợp giảm giá đối với sản phẩm bảo hiểm này. Ông nghĩ sao về thực tế này?

Nghị định 103/2008/NĐ-CP  ngày 16/9/2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới và Thông tư 126/2008/TT-BTC ngày 22/12/2008 của Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đều quy định rõ, khi bán sản phẩm bảo hiểm này cho chủ xe cơ giới, trong đó có bao gồm cả xe máy, DNBH phải bán đúng mức phí bảo hiểm theo quy định và không được khuyến mại dưới mọi hình thức.

Mức phí bảo hiểm đối với xe mô tô 2 bánh công suất từ 50 cc trở xuống là 55.000 đồng/năm và trên 50cc là 60.000 đồng/năm (chưa bao gồm 10% thuế VAT). DNBH phải bán đúng với giá (phí bảo hiểm) nêu trên và không được khuyến mại. Quy định này, chúng tôi đã phổ biến và quán triệt cho tất cả DNBH và trên thực tế, qua công tác quản lý và giám sát, chúng tôi nhận thấy các DNBH vẫn chấp hành nghiêm túc việc thực hiện theo quy định của pháp luật, không có chủ trương khuyến mại đối với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc TNDS.

 

DNBH không có chủ trương, song các bộ phận bán hàng trong và ngoài hệ thống có thể không tuân thủ nội quy của DN, vẫn thực hiện giảm giá, khuyến mại khi bán sản phẩm bảo hiểm bắt buộc xe máy. Đã bao giờ Cục phát hiện hành vi này và tiến hành xử lý. Trách nhiệm của các DNBH trong trường hợp này ra sao?

Trước hết có thể khẳng định, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, trong đó có việc bán giảm giá (phí bảo hiểm) hoặc khuyến mại. Thực tế, qua công tác quản lý, giám sát, chúng tôi đã xử phạt một số trường hợp vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới.

Các DNBH không có chủ trương hay có thể nói là cấm việc khuyến mại, nhưng nếu có việc cán bộ khai thác, đại lý bảo hiểm tự ý khuyến mại thì DNBH và cụ thể là tổng giám đốc và các cán bộ có liên quan là người chịu trách nhiệm về các sai phạm này. Do đó, đòi hỏi DNBH phải thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ để sớm phát hiện và kịp thời chấn chỉnh các sai phạm của cán bộ, đại lý của mình. 

Nghị định 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới quy định phạt tiền 50 triệu đồng đối với DNBH, tổng giám đốc (giám đốc), kế toán trưởng và người liên quan của DNBH có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, Điều 20, Nghị định này (vi phạm quy định “Không được khuyến mại dưới mọi hình thức đối với bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới”).

 

Theo quy định hiện hành, DNBH được phép khuyến mại đối với sản phẩm bảo hiểm xe máy tự nguyện, nên có trường hợp DN lách luật theo kiểu bán cả gói sản phẩm xe máy, gồm cả bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, trong đó, bảo hiểm tự nguyện thì giảm giá, còn sản phẩm bắt buộc thì giữ nguyên giá. Ông đánh giá hiện tượng này thế nào?

Đối với riêng sản phẩm bảo hiểm xe máy, thì ngoài bảo hiểm bắt buộc, các DNBH thường thiết kế thêm sản phẩm tự nguyện là bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe và giới thiệu cho chủ xe cơ giới mua gói sản phẩm này. Theo quy định hiện hành, thì DNBH được phép chủ động xây dựng điều khoản biểu phí đối với sản phẩm bảo hiểm tự nguyện và không cấm việc khuyến mại đối với sản phẩm bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên, các DNBH phải tính toán để đảm bảo được hiệu quả kinh doanh và an toàn tài chính của mình.

 

Một điều đáng nói khác là luật hiện hành thì quy định thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm tối đa là 1 năm, chứ không nêu rõ DN bảo hiểm chỉ được bán sản phẩm bảo hiểm này với cùng thời hạn trên. Vì vậy, có thể có trường hợp rao bán sản phẩm bảo hiểm bắt buộc thời hạn 2 năm. Điều này có thể chấp nhận được không, thưa ông?

Theo quy định, thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là 1 năm. Nếu đơn vị bảo hiểm thực hiện bán bảo hiểm cho khách hàng nhiều hơn 1 năm (2, 3 năm) là không đúng theo quy định, kể cả trường hợp tách ra thành nhiều giấy chứng nhận bảo hiểm mà mỗi giấy là 1 năm.

Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về bảo hiểm xe cơ giới, sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nghiệp vụ bảo hiểm này.