Hệ luỵ khó lường
Tại Công văn số 669/BXD-TTr gửi Sở Xây dựng Bình Thuận, Bộ Xây dựng hướng dẫn: “Tại Khoản 4, Điều 52, Nghị định số 23/2009/NĐ - CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở quy định: “Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nhà ở trái mục đích quy định”.
Không có điều luật nào cấm hoặc giới hạn quyền của người sở hữu nhà ở khi trực tiếp mở cửa hàng hay cho thuê mở công ty
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Trần
Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng quy định trên, con số hộ gia đình bị xử phạt sẽ không phải là nhỏ vì trên thực tế, việc cho thuê nhà để mở cửa hàng, cơ sở dịch vụ hay trụ sở công ty rất phổ biến ở nước ta.
Bên cạnh đó, nếu thực hiện đúng quy định tại khoản 1, Điều 10, Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, “khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm và ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền” thì hệ lụy của quy định này sẽ còn lớn hơn nhiều khi các hoạt động cho thuê nhà ở để kinh doanh bị đình chỉ ngay khi người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính.
Khó khả thi
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đây là một quy định rất khó để thực hiện. Theo ông Võ, từ trước đến nay, chuyện cho thuê nhà ở mặt phố làm cửa hàng đã trở thành điều hiển nhiên nên để xác định được “những tổ chức, cá nhân không sử dụng nhà ở vào mục đích để ở” là điều không dễ. “Ai và cơ quan nào sẽ đi kiểm tra và xác nhận hiện trạng sử dụng của ngôi nhà là để ở hay đã cho thuê kinh doanh để xử phạt?”, ông Võ đặt câu hỏi.
Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản cũng cho biết đã tìm hiểu kỹ Bộ luật Dân sự và thấy rằng, không có điều luật nào cấm hoặc giới hạn quyền của người sở hữu nhà ở khi trực tiếp mở cửa hàng hay cho thuê mở công ty. Theo vị giám đốc này, Luật Doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi nhất, thông thoáng nhất cho người dân đăng ký kinh doanh thì không có lý gì Bộ Xây dựng lại xử phạt.
Điều này được một chuyên gia của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tái khẳng định. Đó là trong quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh không được đòi hỏi người đăng ký trình giấy tờ nhà, quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng… Người đăng ký sẽ chịu trách nhiệm về các khai báo của mình, tự nghiên cứu các điều kiện đi kèm khi muốn kinh doanh.
Theo vị chuyên gia này, việc Bộ Xây dựng có thông tư hướng dẫn không được dùng chung cư làm văn phòng công ty đã khiến cho việc thành lập doanh nghiệp tại một số địa phương gặp khó khăn. Nay lại thêm quy định này nữa thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động thành lập doanh nghiệp. Vị chuyên gia này cũng cho biết sẽ báo cáo lên lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có hướng xử lý kịp thời, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khi khó khăn với các DN vẫn đang chồng chất và rất cần sự đóng góp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.