Hiện có 116 quốc gia, trong đó có 6 nước trong khối ASEAN có quy định về trách nhiệm hình sự pháp nhân

Hiện có 116 quốc gia, trong đó có 6 nước trong khối ASEAN có quy định về trách nhiệm hình sự pháp nhân

Xử lý vi phạm trên TTCK, nên giảm hình sự hóa

(ĐTCK) “Việc xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nên tránh xu hướng gia tăng sử dụng các chế tài hình sự như định hướng hoàn thiện dự thảo Bộ Luật hình sự (BLHS) sửa đổi, đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi…”, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB), đề xuất khi trao đổi với ĐTCK.

Ngoài 3 tội danh đã được quy định tại BLHS hiện hành: tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng giá chứng khoán, dự thảo BLHS sửa đổi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 41 đang diễn ra, bổ sung một tội danh mới là: tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán. Ông có đồng tình với đề xuất này?

Như đã phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp của thành viên thị trường đối với dự thảo BLHS sửa đổi do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính tổ chức mới đây, VASB cho rằng, không nên gia tăng hình sự hóa việc xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Bởi đây là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm, nếu quá mở rộng việc áp dụng các chế tài hình sự, mà không theo thông lệ quốc tế, thì sẽ gây tâm lý nặng nề trên thị trường, tác động không tích cực đến sự phát triển còn non trẻ của TTCK Việt Nam.

Việc dự thảo BLHS sửa đổi có xu hướng mở rộng áp dụng các chế tài hình sự để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là không nên. Thay vào đó, nên tăng cường áp dụng các hình phạt về kinh tế như thông lệ quốc tế: đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền với mức cao gấp 4 - 5 lần, thậm chí cao hơn nữa so với khoản thu lợi bất chính do vi phạm mà có, đồng thời có thể bị cấm tham gia thị trường trong một khoảng thời gian nhất định. Việc áp dụng đồng bộ các chế tài này sẽ đảm bảo tính răn đe, đồng thời đáp ứng một đòi hỏi đặc thù trong xử lý vi phạm trên TTCK là hình phạt được áp dụng nhanh chóng. Yếu tố kịp thời trong xử lý vi phạm trên TTCK có ý nghĩa quan trọng, bởi nó giúp ngăn chặn các tác động tiêu cực, rủi ro mang tính hệ thống. Trong khi yêu cầu này sẽ khó được đáp ứng nếu quá trông chờ vào kết quả xử lý vi phạm của cơ quan điều tra, do quy trình điều tra kéo dài, chứ không như điều tra mang tính hành chính.

ông Nguyễn Thanh Kỳ
 

Một điểm mới nữa của dự thảo BLHS sửa đổi là lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trong đó có 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán đã được quy định tại BLHS hiện hành. Với định hướng chính sách này, các pháp nhân là CTCK, công ty quản lý quỹ có thể bị xử lý hình sự. Ông có cho rằng hướng sửa đổi này là hợp lý?

Như đã nói ở trên, VASB cho rằng, không nên mở rộng việc áp dụng các chế tài hình sự để xử lý các hành vi vi phạm trên TTCK, mà nên tăng cường áp dụng các hình phạt kinh tế. Việc dự thảo BLHS sửa đổi đề xuất xử lý trách nhiệm hình sự đối với một số loại hình pháp nhân trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó có thể có CTCK là chưa hợp lý. Hệ thống pháp luật nhiều nước trên thế giới không quy định việc kết tội hình sự tập thể.

Theo dự thảo BLHS sửa đổi, chế tài đối với pháp nhân CTCK phạm tội hình sự rất nặng: phạt tiền; cấm kinh doanh, cấm huy động vốn..., nên không thể vì sai phạm của một hoặc một số người trong HĐQT hoặc ban giám đốc, mà bắt các cổ đông khác phải bỏ tiền ra xử lý hậu quả cho các cá nhân vi phạm. Ngoài bị thiệt hại về tiền, khi CTCK phạm tội hình sự, điều không hợp lý nữa là tại sao lại bắt các cổ đông phải gánh chịu những thiệt hại rất nặng nề khác do CTCK bị cấm kinh doanh, cấm huy động vốn...? Khi CTCK phạm tội, có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, bị cấm kinh doanh... Hệ quả khi áp dụng các chế tài này là hàng trăm lao động tại CTCK có nguy cơ thất nghiệp mặc dù họ không có lỗi.

Trong một diễn biến có liên quan, trong khi không ít ý kiến cho rằng nên trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho UBCK, nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với các hành vi vi phạm trên TTCK, thì khá nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất này. Ông ủng hộ ý kiến nào?

Theo tôi, nên cân nhắc trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho UBCK như thông lệ các nước. Việc trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho UBCK không nên hiểu là điều tra mang tính chất hình sự (khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng nghi vấn phạm tội…), mà đó là điều tra mang tính chất hành chính. Việc trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho UBCK đồng nghĩa UBCK được phép yêu cầu các đối tượng nghi vấn có hành vi vi phạm cung cấp các thông tin về nhân thân, email, sao kê điện thoại, truy xuất tài khoản ngân hàng… Việc tiếp cận các thông tin này đang là một trong những khó khăn lớn nhất của UBCK trong quá trình giám sát, phát hiện, cũng như xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các dấu hiệu làm giá, thao túng chứng khoán…

Một nguyên tắc quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Quốc hội hiện nay là tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Việc trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho UBCK là một trong những cách để cụ thể hóa nguyên tắc này, bởi khi thẩm quyền điều tra được trao cho UBCK, các hành vi vi phạm trên TTCK sẽ được tăng cường phát hiện và kịp thời xử lý bằng các chế tài hành chính. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, thì mới phải chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra.

TTCK Việt Nam đã trải qua 15 năm hoạt động nhưng đến nay, UBCK vẫn chưa được trao thẩm quyền điều tra theo thông lệ quốc tế. Hạn chế này, trong cái nhìn của các tổ chức, giới đầu tư quốc tế là một trong những nguyên nhân khiến TTCK Việt Nam bị đánh giá là kém minh bạch, dễ bị thao túng, làm giá, còn nhiều hạn chế trong bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích chính đáng của NĐT…

“Nên phân định rõ trách nhiệm hình sự giữa pháp nhân và cá nhân”
TS. Phạm Ngọc Phú
Tổng giám đốc CTCK An Thành

Việc quy trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là cần thiết, vì có những sai phạm xảy ra tại CTCK do ban điều hành thực hiện quyết định của ĐHCĐ, HĐQT. Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán ngày một phức tạp, tinh vi, nên nếu chỉ truy trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, mà bỏ qua trách nhiệm hình sự của pháp nhân, chẳng hạn như CTCK, công ty quản lý quỹ..., thì khó đảm bảo răn đe. Khi xảy ra sai phạm, người vi phạm tại CTCK thường tìm cách bỏ trốn, khiến NĐT có thể phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề mà chẳng biết kêu ai. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với CTCK là giải pháp nên cân nhắc áp dụng, để buộc CTCK có trách nhiệm với những thiệt hại mà khách hàng, NĐT phải gánh chịu do cá nhân hành nghề tại CTCK gây ra. 
Tuy nhiên, dự thảo BLHS sửa đổi cần quy định cụ thể nguyên tắc phân định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và cá nhân, để tránh đẩy trách nhiệm của cá nhân cho pháp nhân. Cũng cần làm rõ ranh giới phân định giữa xử lý hình sự và hành chính, dân sự, để tránh hình sự hóa việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.
“Bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân  vào BLHS là cần thiết”
Ông Nguyễn Văn Hiện 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào BLHS thời điểm này là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật của pháp nhân và việc chứng minh lỗi, hậu quả thiệt hại do hành vi nguy hiểm của pháp nhân gây ra, bảo đảm công bằng, minh bạch trong áp dụng các chế tài, phù hợp với thông lệ quốc tế. Quy định này còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế đã tham gia, bảo đảm công bằng trong xử lý hình sự đối với pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. 
Theo thống kê của Chính phủ, hiện có 116 quốc gia, trong đó có 6 nước trong khối ASEAN có quy định về trách nhiệm hình sự pháp nhân. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, việc bổ sung quy định này phải xác định rõ những vấn đề như: mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự của cá nhân với trách nhiệm hình sự của pháp nhân; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân... Về phạm vi, chỉ nên giới hạn trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm mang tính phổ biến mà pháp nhân vi phạm như quy định tại dự thảo gồm: tội buôn lậu; tội trốn thuế; tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng giá chứng khoán... 
Cũng có một số ý kiến đề nghị không nên bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân vì cho rằng, vướng mắc trong xử lý pháp nhân vi phạm pháp luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, mà không phải do thiếu cơ sở pháp lý. Các chế tài hình sự áp dụng đối với pháp nhân theo phương án của dự thảo BLHS sửa đổi như: tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh... cũng đã được áp dụng trong xử lý vi phạm hành chính. Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân có thể bị lạm dụng, lấy trách nhiệm pháp nhân để lẩn tránh trách nhiệm cá nhân.
Tin bài liên quan