Xử lý vi phạm bảo hiểm, cơ quan quản lý “đau đầu”

Xử lý vi phạm bảo hiểm, cơ quan quản lý “đau đầu”

(ĐTCK) Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, ông Trịnh Thanh Hoan chia sẻ: “Cán bộ Cục đi thanh kiểm tra các DN bảo hiểm về nói lại là chúng tôi đau đầu lắm, không biết xử lý thế nào, xử lý nặng thì DN phản ứng, còn nếu không thì thị trường lại nhốn nháo”.

Xử lý vi phạm bảo hiểm, cơ quan quản lý “đau đầu” ảnh 1

Mới dừng ở việc liệt kê tên

Đánh giá cao nỗ lực chi tiết hóa các báo cáo về thị trường của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), nhưng bên lề Hội nghị ngành bảo hiểm vừa diễn ra, không ít lãnh đạo DN lớn cho rằng, Cục này cần cụ thể hóa hơn nữa các thông tin, nhất là công khai những vi phạm bảo hiểm.

Trong báo cáo phát tại Hội nghị, thông tin về vi phạm hành chính mới chỉ dừng ở những cái tên DN được thanh kiểm tra. Chẳng hạn, trong năm 2012, 3 DN được thanh tra là Aon Việt Nam , Manulife Việt Nam và ABIC. Bên cạnh đó, 5 DN bảo hiểm phi nhân thọ (Hùng Vương, Chartis, Fubon, Groupama, Bảo Ngân) và 5 DN bảo hiểm nhân thọ (Generali, Fubon, Cathay, Vietinbank Aviva, Vietcombank-Cardif), cùng 3 DN môi giới bảo hiểm (Cimeico, Sao Việt, Jardine Lloyd Thompson) được kiểm tra toàn diện hoạt động. Ngoài ra, 10 chi nhánh/công ty thành viên của DN bảo hiểm phi nhân thọ được kiểm tra chuyên đề bảo hiểm xe cơ giới và hoa hồng bảo hiểm là PJICO, PTI, GIC, Bảo Việt.

“Năm qua, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã nỗ lực cho ra báo cáo chi tiết, cụ thể hơn so với năm trước đó. Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra những tồn tại, hạn chế của DN thì còn chung chung. Theo tôi, năm nay, cần chỉ rõ DN vi phạm và nêu rõ vi phạm quy tắc, điều khoản nào để các DN khác nghiên cứu, rút kinh nghiệm”, ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo Minh đề xuất.

Đề xuất trên được lãnh đạo nhiều DN khác đồng tình khi trao đổi với ĐTCK. “Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, Cục đã theo dõi và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, xử lý các vấn đề sau thanh tra. Nhưng khi đã là vi phạm mang tính thị trường, không chỉ diễn ra ở một số ít DN thì thiết nghĩ, cần công khai chi tiết hơn cho cả thị trường, đặc biệt là những DN chưa mắc phải được biết để phòng tránh. Ngoài ra, nên công khai ngay sau khi có kết quả thanh kiểm tra, chứ không chờ đến cuối năm”, lãnh đạo một DN bảo hiểm nhân thọ nói.

Nhìn lại sai phạm của các DN bảo hiểm trong 1 năm qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhận xét, cả hai khối bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đều có sai phạm chung và cũ, đó là sử dụng đại lý chưa đủ điều kiện, chi hoa hồng cho đại lý không đúng, cạnh tranh không lành mạnh. Các DN cần sớm khắc phục những thiếu sót, bởi ngoài Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thì còn nhiều cơ quan chức năng liên quan sẽ “soi kỹ”. Trong năm qua, cơ quan quản lý bảo hiểm đã phối hợp thanh kiểm tra phát hiện vi phạm và ra nhiều quyết định xử phạt cả DN lẫn cá nhân.

Đối với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Thứ trưởng Trần Xuân Hà yêu cầu tổ chức này cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc giám sát các DN thành viên thực thi các quy định của pháp luật, đáp ứng kỳ vọng của thị trường.

 

Băn khoăn phạt nặng

Trước đề xuất công khai cụ thể vi phạm của các DN bảo hiểm, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, ông Trịnh Thanh Hoan chia sẻ, khiếm khuyết của thị trường còn nhiều và cơ quan quản lý đều biết. Cục sẵn sàng công khai hết, thậm chí muốn tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm. Vấn đề là có nên nói thẳng ra hay không. Quan trọng hơn, các DN bảo hiểm có quyết tâm, mạnh dạn làm để minh bạch hơn hay không.

Theo ông Hoan, nếu kiểm tra thì 100% DN bảo hiểm vi phạm quy định về chi trả hoa hồng/bồi thường, với các mức độ vi phạm khác nhau. Cùng một vụ việc xảy ra, nếu đưa cho 29 DN bảo hiểm phi nhân thọ thì 29 DN chi trả bồi thường khác nhau. Riêng về chi trả hoa hồng, các DN bảo hiểm, kể cả DN nước ngoài hay liên doanh đều trả hoa hồng sai quy định, ngoại trừ Samsung Vina. Về tăng mức phạt, phạt công ty mang lại hiệu quả thấp, còn phạt cá nhân vị CEO, vị chủ tịch DN dù chỉ 10 triệu đồng cũng là cả vấn đề.

“Cán bộ Cục đi thanh kiểm tra DN về nói lại là chúng tôi đau đầu lắm, không biết xử lý thế nào, xử lý nặng thì DN phản ứng, còn nếu không thì thị trường lại nhốn nháo”, ông Hoan nói.

Đó là những cái khó của cơ quan quản lý và một vài điểm khó khác cũng được lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thừa nhận trong công tác quản lý giám sát hoạt động của các DN bảo hiểm như: không ít cán bộ còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nên có sự hạn chế nhất định trong việc đáp ứng yêu cầu quản lý giám sát; chưa xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ công tác quản lý giám sát.    

 

Năm 2013, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm sẽ:

* Thanh tra 4 DN bảo hiểm: BIC, VNI, Bảo Việt-Tokyo Marine, ACE Life.

* Kiểm tra toàn diện 5 DN bảo hiểm phi nhân thọ (Bảo Long, MIC, Liên hiệp, Cathay, MSIG) và 5 DN môi giới bảo hiểm (Marsh, Gras Savoye, Nam Á,Việt Quốc, Á Đông).

* Kiểm tra theo chuyên đề (về tài chính kế toán và quản lý đại lý) 5 DN bảo hiểm nhân thọ: Bảo Việt, Prudential, AIA, Prevoir, Great Eastern.