Ðây cũng là một trong những nội dung tại Nghị quyết về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Gần 1 năm trôi qua, giới đầu tư và công luận vẫn đang trông chờ Quốc hội sẽ xử lý trách nhiệm nhiều vụ việc đã được Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng kết luận như thế nào.
Cho đến nay, dường như cũng chưa có báo cáo số liệu hay một cuộc rà soát nào để xác định được chính xác vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đang được quản lý ra sao, ai là người chịu trách nhiệm và thực hiện việc đại diện vốn.
Trong một cuộc trao đổi với báo chí gần đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại. Qua trao đổi làm việc với cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước ở các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Hải Phòng có những doanh nghiệp không còn vốn nhà nước. Bộ Công thương có những doanh nghiệp không liên lạc được với người đại diện, không có trụ sở, gần như doanh nghiệp đã mất tích...
Ðể khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý sử dụng vốn và tài sản nhà nước, tại kỳ họp diễn ra tháng 6/2018, Quốc hội đã đưa ra nhiều giải pháp và khẳng định việc xử lý các vi phạm sẽ xong trước năm 2020.
Chẳng hạn, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để sớm trình Quốc hội. Ðến năm 2020, phải xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát vốn, tài sản nhà nước và các dự án thua lỗ. Quốc hội không đồng ý cho sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.
Quốc hội cũng giao Chính phủ thực hiện rà soát diện tích đất của các doanh nghiệp nhà nước, quản lý và giám sát việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, bảo đảm tuân thủ phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng thì phải tổ chức thu hồi và đấu giá công khai.
Chủ trương thì như vậy, nhưng trên thực tế lại có không ít trường hợp doanh nghiệp có vốn nhà nước, có quyền sử dụng đất ở các vị trí đắc địa ở Hà Nội hoặc TP.HCM thực hiện chuyển quyền sử dụng đất trụ sở sang làm dự án bất động sản, nhưng không qua đấu giá công khai mà chỉ tham gia góp vốn với tỷ lệ rất thấp. Rồi đến khi dự án chưa hình thành, đã thực hiện “bán lúa non” bằng cách thoái sạch vốn tại các doanh nghiệp thực hiện đầu tư dự án bất động sản nói trên.
Sẽ có rất nhiều việc phải làm, phải kiên quyết xử lý để khu vực kinh tế nhà nước ngày càng hiệu quả hơn nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.