Việc xử lý TSĐB là bất động sản của các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việc xử lý TSĐB là bất động sản của các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Xử lý tài sản đảm bảo, gian nan tìm phao cứu sinh

(ĐTCK) Nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD, liên bộ Tư pháp, Tài nguyên Môi trường và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư liên tịch số 16/2014 ngày 6/6/2014 hướng dẫn xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB). Tuy nhiên, kết quả tổng kết hơn 1 năm triển khai thông tư này đã không đáp ứng kỳ vọng…

Có thông tư hướng dẫn, xử lý TSBĐ vẫn tắc

TSĐB được xem như phao cứu sinh trong hoạt động tín dụng, nhằm đảm bảo việc ngân hàng có thể thu hồi một phần hoặc toàn bộ khoản cho vay khi khách hàng không trả được nợ.

Các khoản nợ xấu của ngân hàng, theo đánh giá của các chuyên gia, đa phần đều có TSĐB (hầu hết trong đó là bất động sản), nhưng việc xử lý TSĐB, thu hồi nợ vẫn tắc, dù Thông tư liên tịch số 16/2014 đưa ra các quy định về thủ tục xử lý cho từng loại tài sản đảm bảo. Chiếc phao cứu sinh của ngân hàng chưa phát huy tác dụng thực sự.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng ban Khách hàng hộ sản xuất và cá nhân, Agribank, mặc dù Thông tư có quy định về trình tự thủ tục xử lý TSBĐ (trong cả trường hợp bên thế chấp không tự nguyện ký kết hợp đồng chuyển quyền sở hữu), nhưng các luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Nhà ở) chỉ quy định về các giao dịch mua bán chuyển nhượng thông thường, nên các cơ quan nhà nước không chấp nhận đề nghị đơn phương của Agribank, mà vẫn yêu cầu phải có hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản của khách hàng cho ngân hàng.

Hay như những bất cập trong thực hiện quy định trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận về việc bán TSĐB không qua đấu giá thì việc định giá bán tài sản sẽ do các bên tự thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì bên bảo đảm có quyền chỉ định cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá bán tài sản…

“Ở những vùng sâu, vùng xa, hải đảo không có các cơ quan có chức năng thẩm định giá, nên sẽ khó khăn cho Agribank khi tiến hành định giá để bán tài sản theo quy định trên. Việc mời cơ quan có chức năng định giá đến nơi này tốn kém nhiều chi phí, thời gian của tổ chức tín dụng cũng như bên thế chấp”, ông Sơn nói.

Còn theo ông Vũ Anh Tuấn, Eximbank, quy định việc xử lý tài sản đảm bảo trình tự, thủ tục khởi kiện, xét xử và thi hành án dân sự, trong khi các thủ tục này quá phức tạp và kéo dài, khiến TCTD có xu hướng ngại khởi kiện người vay ra tòa.

“Vô hình trung, pháp luật khuyến khích hành vi bội ước, chây ỳ, không tôn trọng pháp luật và cam kết, không thực hiện nghĩa vụ đã tự nguyện thỏa thuận của người vay trong hợp đồng tín dụng. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, con nợ càng cố thủ, kéo dài thời hạn trả nợ càng có lợi”, ông Tuấn nhìn nhận.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho rằng, Điều 10, Thông tư liên tịch số 16/2014 đã tháo gỡ việc nếu bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm không thỏa thuận được giá bán tài sản thì ngay cả trong trường hợp bên bảo đảm bất hợp tác, phía TCTD cũng có thể chỉ định tổ chức thẩm định giá để xác định giá bán tài sản. Tuy nhiên, với một số loại tài sản đặc biệt như quyền sử dụng đất, đặc biệt là đất thuê của Nhà nước thì việc xác định giá thị trường là không dễ dàng.

 Cần sửa luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự

Về phản ánh của Agribank, ông Sơn cho rằng, Agribank có thể chủ động ký kết các loại giấy tờ liên quan đến xử lý tài sản này như chuyển nhượng, cho thuê… khi bên đi vay không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận, mà không cần chủ sở hữu tài sản ký.

Ông Đông gợi ý, đối với các TCTD, cần hoàn thiện mô hình quản lý rủi ro tín dụng, trong đó có quản lý rủi ro của TSBĐ; tăng cường sự phối hợp giữa ngân hàng với các cơ quan tư pháp, đặc biệt là cơ quan thi hành án trong công tác xử lý TSBĐ…

Đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, ông Nguyễn Duy Phương, Vụ phó Vụ Thanh tra giám sát các TCTD trong nước khuyến nghị, Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Bộ luật Dân sự như quy định chủ thể ủy quyền và được ủy quyền là các cá nhân, pháp nhân nêu tại mục 12, Chương XVIII về hợp đồng ủy quyền; quy định hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định hộ gia đình, thành viên hộ gia đình tại Điều 106 Bộ luật Dân sự và thống nhất với quy định pháp luật liên quan (Luật Đất đai)...

Sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự như quy định về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng trong trường hợp mua bán nợ tại Điều 62, Bộ luật Tố tụng dân sự; quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án theo trình tự, thủ tục rút gọn; quy định về trách nhiệm thụ lý, giải quyết vụ án của tòa án trong trường hợp bị đơn, người có quyền lợi liên quan cố tình trốn tránh, không có mặt theo giấy triệu tập của tòa án...

Ông Đông cũng cho biết, NHNN đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, sớm trình Chính phủ bổ sung quy định tại Nghị định 163/2006 về giao dịch bảo đảm, quy định về thủ tục giải chấp từng phần đối với tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định 7/2010 về bán đấu giá tài sản theo hướng quy định rõ trình tự, thủ tục theo hình thức bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu, thời gian kiểm phiếu, công khai kết quả kiểm phiếu.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo các tổ chức bán đấu giá, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện đúng quy định tại Nghị định 163/2006, Thông tư liên tịch số 16/2014. Theo đó, các tổ chức bán đấu giá, tổ chức hành nghề công chứng không được yêu cầu việc bán đấu giá phải có sự đồng ý hoặc ủy quyền của bên bảo đảm.

Để xử lý TSĐB, đẩy nhanh tiến độ nợ xấu của ngành ngân hàng, không chỉ cần nỗ lực của các TCTD, mà đòi hỏi cả sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị. Bởi nợ xấu không phải là câu chuyện riêng của ngành ngân hàng, mà của cả nền kinh tế.               

Tin bài liên quan