VAMC cần được tăng cường nguồn lực về cả vốn, công nghệ và nhân lực để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Ảnh: Dũng Minh

VAMC cần được tăng cường nguồn lực về cả vốn, công nghệ và nhân lực để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Ảnh: Dũng Minh

Xử lý nợ xấu vẫn chờ nhiều sự tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, các tổ chức tín dụng chú trọng kiểm soát không để nợ xấu mới phát sinh, nhưng công tác xử lý nợ xấu cũ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Kết quả hoạt động của VAMC từ đầu năm 2021 đến nay như thế nào?

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)

Tính đến ngày 30/6/2021, VAMC đã mua 30 khoản nợ đối với mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt của 19 khách hàng với tổng dư nợ gốc 17.705 tỷ đồng, tổng giá mua 17.705 tỷ đồng (đạt 88,53% kế hoạch năm 2021). Đối với mua nợ theo giá trị thị trường, VAMC đã mua 9 khoản nợ của 4 khách hàng với tổng dư nợ gốc 1.579 tỷ đồng, giá mua nợ 1.922 tỷ đồng (đạt 38,44% kế hoạch năm 2021).

Liên quan đến kết quả xử lý nợ, nhằm hỗ trợ khách hàng có triển vọng vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh và trả nợ ngân hàng, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá tình hình tài chính, năng lực hoạt động của các khách hàng có nợ xấu, từ đó phân loại và đề xuất áp dụng các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay theo quy định.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, VAMC thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng mua nợ theo giá trị thị trường với số tiền miễn, giảm lãi/phí đạt 86 tỷ đồng; dư nợ gốc được điều chỉnh lãi suất và dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cùng đạt 152 tỷ đồng; số tiền thu hồi từ xử lý tài sản bảo đảm đạt 951 tỷ đồng; giá bán khoản nợ là 7.496 tỷ đồng

Đối với kết quả thu hồi nợ, các khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, chúng tôi phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý thu hồi nợ được 9.881 tỷ đồng; đối với các khoản nợ đã mua theo giá trị thị trường, VAMC xử lý thu hồi nợ được 910 tỷ đồng.

VAMC đã thực hiện đánh giá và phân loại các khoản nợ còn dư nợ trái phiếu đặc biệt đến ngày 30/6/2021 là 1.270 khách hàng với 1.769 khoản nợ và tổng dư nợ gốc nội bảng là 99.432 tỷ đồng của 16 tổ chức tín dụng. Đồng thời, VAMC hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu như hoàn thiện thủ tục pháp lý của tài sản bảo đảm và khoản nợ; tìm kiếm nhà đầu tư để bán tài sản bảo đảm; thực hiện khởi kiện; đôn đốc, thu hồi nợ… Đến hết ngày 30/6/2021, VAMC đã thanh toán tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt đạt 13.432 tỷ đồng của 355 khoản đến từ 253 khách hàng.

Đáng chú ý, VAMC bán đấu giá thành công 2 tài sản (khoản nợ) với tổng giá trúng đấu giá đạt 686,395 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản bán vượt trên giá khởi điểm là 1,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VAMC lựa chọn bổ sung các tổ chức thẩm định giá đáp ứng đủ điều kiện theo quy định phục vụ hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường, xử lý nợ.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 dần có tác động lớn hơn đến nền kinh tế, chắc hẳn VAMC cũng không ở ngoài khó khăn chung này?

Đúng vậy. Dịch bệnh Covid-19 dẫn đến mọi hoạt động kinh tế đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là thời gian giãn cách xã hội làm cho các hoạt động nghiệp vụ của VAMC bị gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện kế hoạch. Chúng tôi buộc phải thay đổi hình thức thực hiện từ trực tiếp sang trực tuyến, gây nhiều khó khăn trong hoạt động mua bán nợ như khảo sát tài sản, làm việc với các nhà đầu tư/khách hàng, cũng như ảnh hưởng tới quá trình tổ chức, thực hiện đấu giá tài sản…

VAMC đề xuất xây dựng Luật Xử lý nợ xấu nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại của Nghị quyết 42/2017/QH 14.

Trong khi đó, VAMC vẫn còn đó những khó khăn cũ chưa được giải quyết. Chẳng hạn, theo lộ trình tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, VAMC được tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn mua nợ xấu theo giá trị thị trường. Vậy nhưng, đến ngày 27/11/2019, VAMC mới được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng (hiện vẫn giữ ở mức này).

Về cơ bản, Nghị quyết số 42/2017/QH 14 của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, VAMC nhận thấy vẫn còn một số vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý nợ như thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại toà án, cơ quan thi hành án, chính sách thuế chưa hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ xấu…

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng chú trọng kiểm soát không để nợ xấu phát sinh nên biện pháp xử lý nợ là bán nợ theo giá trị thị trường cho VAMC chưa được ưu tiên thực hiện. Do đó, quá trình đàm phán với các tổ chức tín dụng không đạt được thoả thuận như ban đầu.

Hiện tại, các dự báo về kinh tế cho hai quý cuối năm đều không lạc quan. Theo ông, VAMC có cơ hội nào để hoàn thành mục tiêu năm 2021 đã đề ra?

Trong khó khăn sẽ có cơ hội, nhưng để triển khai hiệu quả và hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2021 đã đề ra, VAMC kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan tăng cường nguồn lực cho chúng tôi về cả vốn, công nghệ, nhân lực và tiếp tục quan tâm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm, khoản nợ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ của VAMC cũng như các tổ chức tín dụng.

Thứ nhất, chúng tôi đề xuất xây dựng Luật Xử lý nợ xấu (phát triển từ Nghị quyết số 42/2017/QH 14) nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại của Nghị quyết 42.

Thứ hai, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm mở rộng phạm vi, hoạt động đấu giá tài sản của VAMC phù hợp với Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Thứ ba, đề nghị các bộ, ngành có liên quan thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu như hỗ trợ các hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm của VAMC, đẩy mạnh xử lý các tranh chấp liên quan đến khoản nợ, tài sản bảo đảm bằng thủ tục rút gọn tại toà án; Bộ Tài chính có hướng dẫn về chính sách thuế hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm thu nợ xấu phù hợp với tinh thần Nghị quyết 42…

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cấp bổ sung vốn điều lệ cho VAMC theo lộ trình đã được chấp thuận tại Quyết định 1058/QĐ-TTg.

Thị trường rất quan tâm về tiến trình thành lập sàn giao dịch nợ, với kỳ vọng đây là giải pháp hiệu quả để xử lý nợ xấu - vốn đang được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới. Ông có thể chia sẻ thông tin về vấn đề này?

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chủ trương về việc thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC, chúng tôi đã xúc tiến các hoạt động nhằm chuẩn bị cho sự ra đời và đi vào hoạt động của sàn giao dịch như thành lập Ban trù bị Sàn giao dịch nợ VAMC để triển khai các nhiệm vụ, chuẩn bị thủ tục, điều kiện cần thiết…

Ngày 28/4/2021, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC tại Văn bản số 2973/NHNN-TTGSNH. Ngày 13/5/2021, VAMC ban hành Quyết định số 10/QĐ-HĐTV về việc thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - Chi nhánh sàn giao dịch nợ.

Hiện tại, chúng tôi đang triển khai các thủ tục, điều kiện cần thiết cho việc đưa Sàn giao dịch nợ VAMC đi vào hoạt động, dự kiến cuối quý III/2021, với mục tiêu hoạt động là xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu, đồng thời thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển với vai trò trung tâm thị trường của VAMC.

Tin bài liên quan