Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%
8 điểm nổi bật là kết quả triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu được ông Bùi Văn Hải, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) trình bày tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2019 diễn ra giữa tuần này tại Hà Nội. Một trong 8 điểm mà ông Hải nhấn mạnh là “tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm xuống dưới 2% cuối năm 2018”.
Theo báo cáo của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD đến cuối năm 2018 là 1,89%, duy trì đà giảm trong 3 năm liên tiếp là 2,46% năm 2016 và 1,99% năm 2017.
Là ngân hàng đứng thứ 2 về tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, tính đến cuối năm 2018, Vietcombank đã tự xử lý được khoảng 22.600 tỷ đồng nợ xấu, bằng 134% kế hoạch giai đoạn năm 2016 - 2018, đạt 75% kế hoạch giai đoạn năm 2016 - 2020 theo Đề án cơ cấu lại Vietcombank đến năm 2020 đã được NHNN phê duyệt. 3 tháng đầu năm 2019, Vietcombank tự xử lý thêm 200 tỷ đồng nợ xấu.
Tính đến hết tháng 3/2019, Vietcombank đã thu hồi được 8.863 tỷ đồng nợ ngoại bảng, đạt 71% kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020. Tính đến 31/3/2019, dư nợ xấu là 6.870 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,02%, thấp hơn về giá trị tuyệt đối nhưng cao hơn về tỷ lệ so với cuối năm 2018.
Theo ông Bùi Văn Hải, ngoài yếu tố nợ xấu, kết quả triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu là khuôn khổ pháp lý được hoàn thiện một bước cơ bản, cơ chế chính sách hỗ trợ các TCTD cơ cấu lại và xử lý nợ xấu đã được sửa đổi; năng lực quản trị của các TCTD từng bước được nâng cao, tiếp cận với thông lệ quốc tế, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố.
Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện quyết liệt nhằm đảm bảo đúng quy định về sở hữu cổ phần. Đến ngày 31/12/2018, các TCTD đã cơ bản xử lý, khắc phục được một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo. Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, đa dạng hóa và cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ ngân hàng. Các dịch vụ cơ bản như huy động, cho vay, cung ứng dịch vụ thanh toán được phát triển đa dạng.
Tái cơ cấu từ nội lực
Đánh giá về sức khỏe hệ thống ngân hàng thương mại sau 6 năm tái cơ cấu, ông Võ Tấn Long, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho rằng, có 2 khía cạnh quan trọng thời gian tới cần đẩy mạnh khi tái cơ cấu là nâng cao năng lực quản trị của ngân hàng để bắt kịp các mô hình mới và nâng cao năng lực của nguồn nhân lực trong ngân hàng. “80% CEO cho rằng thiếu hụt nhân lực và thiếu vốn sẽ cản trở sự phát triển”, ông Long nói.
Chia sẻ ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Phạm Mạnh Thắng cũng có quan điểm tương đồng về việc củng cố nội lực thông qua xây dựng và hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý và xử lý nợ có vấn đề của ngân hàng, kiện toàn bộ máy nhân sự tham gia công tác xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng chỉ rõ, nhu cầu vốn hiện nay tập trung chủ yếu là vay ngân hàng, nên tăng vốn tự có là điều bắt buộc. Đánh giá Vietcombank đã có biện pháp sử dụng vốn hiệu quả, ông Thắng cho rằng, Vietcombank nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung cần nỗ lực “chuyển mình”, tập trung nguồn lực trong công tác kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý thu hồi nợ để nhanh chóng xử lý triệt để nợ xấu, phá tan “cục máu đông”, khơi thông dòng vốn để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, việc tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có của các ngân hàng thương mại phải bảo đảm mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định và đáp ứng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế.
Bà Hòa cũng lưu ý, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần đổi mới hoạt động theo xu thế mới. Cụ thể, chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại theo hướng từ “độc canh tín dụng” sang mô hình đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phi tín dụng. Đồng thời, nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực phi tài chính, nhiều rủi ro.