Nhưng tiền lấy từ đâu lại là một vấn đề thậm chí còn nan giải hơn.
Cần nhanh chóng xử lý nợ xấu
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc xã hội quan tâm nhiều đến nợ xấu là hợp lý vì thực tế nợ xấu chưa được giải quyết ổn thỏa và ngày càng tăng lên. Quả thực, trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã cho biết, đến tháng 7/2014, tỷ lệ nợ xấu theo các TCTD báo cáo là 4,11%, cao hơn so với mức khoảng 3,9% của cuối năm 2013.
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), có nhiều con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng (từ các NHTM, từ NHNN và từ các tổ chức quốc tế), nhưng nhìn chung là nợ xấu đang ở mức đáng quan ngại. Từ cuối năm ngoái đến nay, nợ xấu có xu hướng tiếp tục tăng.
“Tuy nhiên, gần đây, tốc độ tăng nợ xấu đã giảm dần”, TS. Võ Trí Thành nói.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, nợ xấu thực tế có thể cao hơn con số mà NHNN công bố, nhất là khi tính theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Vì vậy, giải quyết nợ xấu là vấn đề cốt lõi và cấp thiết của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn.
Xử lý nợ xấu: Cần quyết tâm chính trị
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có 3 đối tượng để quy trách nhiệm về vấn đề nợ xấu: bên đi vay, cho vay và nhà quản lý, nhưng hiện chúng ta lại chỉ tập trung xử lý ở 2 đối tượng sau. Nhưng về nguyên tắc, dù chỉ là một đồng đi vay, người vay vẫn phải có trách nhiệm trả nợ.
“Có 3 thành phần trong nợ xấu: đầu tiên là doanh nghiệp không trả được nợ, tiếp theo là bất động sản và cuối cùng là lợi ích nhóm (thành phần có liên quan đến các ngân hàng). 3 thành phần này phải được đưa ra và đặt câu hỏi: “Các anh sẽ xử lý/hoàn trả nợ xấu như thế nào”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Phân tích thêm về 3 thành phần trong nợ xấu, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp mà phần nhiều là doanh nghiệp nhà nước chây ì bởi họ biết có ai đứng đằng sau. Do vậy, trong hệ thống ngân hàng có câu chuyện vui là nếu các NHTM cho vay đến 1 tỷ USD sẽ phải quỳ dưới chân khách hàng để xin khách trả nợ cho mình. Còn doanh nghiệp bất động sản, không có thế như doanh nghiệp nhà nước, nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản suy sụp quá nên họ cũng đành phó mặc lại cho các ngân hàng thu nợ bằng cách phát mại tài sản thế chấp - bất động sản. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng do các luật lệ chồng chéo và sự phức tạp khi có nhiều đối tượng liên quan, như khách hàng của doanh nghiệp bất động sản. Đối với các ngân hàng, việc kéo các khách hàng ra xử lý cũng giống như tự chặt vào tay chân mình, nên cũng chây ì nốt.
“Do vậy, để xử lý được nợ xấu, đòi hỏi phải có quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và cả nền kinh tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Để xử lý nợ xấu, trước hết, người gây ra nợ xấu phải trả giá? Thời điểm này, tôi chưa thấy ai trả giá một cái giá gì ghê gớm cả”.
Theo TS. Võ Trí Thành, việc VAMC mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt chỉ là bước ban đầu để làm “thanh thoát” cho bảng cân đối tài sản của các NHTM, giảm một phần chi phí cho các ngân hàng. Để xử lý triệt để nợ xấu, đòi hỏi phải có mua bán giao dịch thật các khoản nợ xấu này, mà muốn làm được như vậy, đòi hỏi phải tạo đủ quyền năng cho các tổ chức xử lý nợ xấu, tạo thêm nguồn lực và sửa đổi khung khổ pháp lý để hình thành thị trường mua bán nợ thực sự.
“Cụ thể, phải sửa đổi nhiều điều khoản trong các bộ luật có liên quan đến mua bán nợ, sang nhượng tài sản bằng một Nghị quyết của Quốc hội, thay vì chờ đợi sửa từng luật. Mặc khác, cần có một lượng tiền mặt đủ lớn để mua và bán nợ theo giá thị trường, làm tăng thanh khoản của thị trường nợ (tiền không thiếu, chỉ thiếu cơ chế và đồng thuận chính trị để thực hiện)”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.
Vậy, tiền xử lý nợ xấu là bao nhiêu? Ở đâu?
TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, không thể xử lý nợ xấu mà không dùng tiền ngân sách. Nợ xấu hiện ước khoảng 200.000 - 600.000 tỷ đồng, tức là vào khoảng 7% tổng dư nợ, xấp xỉ 18% GDP - một con số khổng lồ.
“Các nước xung quanh giải quyết nợ xấu bằng tiền ngân sách nên Việt Nam không thể là ngoại lệ. Mặc dù bội chi ngân sách, nợ công tăng cao nhưng vẫn cần phải dùng tiền của Chính phủ để xử lý nợ xấu và không thể dựa vào tiền đầu tư của các tổ chức kinh tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Cụ thể, TS. Nguyễn Trí Hiếu gợi ý 2 nguồn: Lập ra quỹ là vốn tự có để sau đó đi vay. Quỹ này, Chính phủ góp 50%, các NHTM góp 30%, còn lại vay từ các tổ chức nước ngoài. Vốn tự có ít nhất khoảng 10.000 tỷ đồng để có thể giải quyết nợ xấu 100.000 tỷ đồng, nghĩa là chúng ta sử dụng đòn bẩy 1/10.
“Xử lý nợ xấu mà không dùng đến ngân sách là điều không tưởng”, TS. Hiếu nói.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) “Hiện nay, chính sách tiền tệ đang phải gánh nhiều nghĩa vụ như kiểm soát lạm phát, cắt giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng, ổn định tỷ giá, bình ổn giá vàng, giải quyết nợ xấu. Ngoài ra, chính sách tiền tệ cũng phải đáp ứng hầu hết các gói hỗ trợ kinh tế như nhà ở xã hội, đóng tàu vỏ thép, tạm ứng tiền đền bù cơ sở hạ tầng đường 1A và đường Hồ Chí Minh đi qua Tây Nguyên, hỗ trợ ngân sách. Chưa kể một loạt các chính sách phát triển công nghiệp như công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, máy nông cụ, xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ... đều thực hiện qua NHTM. Điều này khiến cho áp lực đối với chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quá tải và hiệu quả của các chính sách này cũng rất thấp, vì hầu hết các gói hỗ trợ và chính sách nói trên đều là những lĩnh vực rủi ro rất lớn, mà ngân hàng vốn không phải là những định chế tài chính kinh doanh rủi ro”. |