Bà có thể cho biết Nam A Bank đã bán được bao nhiêu nợ xấu cho VAMC và tình hình xử lý nợ xấu của Ngân hàng từ đầu năm đến nay?
Từ đầu năm 2015 đến nay, Nam A Bank đã kiểm soát và duy trì tốt tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% theo quy định của NHNN. Ngân hàng cũng đã hoàn tất trước hạn và vượt chỉ tiêu được giao trong việc bán nợ xấu cho VAMC. Đây là một trong những nỗ lực của Nam A Bank, nhằm tuân thủ nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của NHNN đã đề ra.
Cụ thể, Nam A Bank tuân thủ áp dụng những biện pháp xử lý nợ xấu, như phối hợp với khách hàng để tận lực tìm các nguồn thu trả nợ, nhận tài sản bảo đảm để cấn trừ nợ, xử lý tài sản để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, bán nợ cho VAMC... Nam A Bank luôn tâm niệm việc xử lý nợ xấu phải bắt nguồn từ chữ "Tâm", bởi đây không còn là việc bảo toàn vốn cho Ngân hàng, mà còn giúp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Tất cả điều này dẫn đến kết quả khá khả quan khi tỷ lệ nợ xấu của Nam A Bank đã được kéo giảm từ 1,6% vào đầu năm 2015 xuống còn 0,92% tính đến cuối tháng 9/2015.
Nguồn dự phòng có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Ngân hàng, thưa bà?
Chi phí trích lập dự phòng là một khoản chi phí lớn, có ảnh hưởng đến lợi nhuận của Ngân hàng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, để đảm bảo tính an toàn trong hoạt động, các ngân hàng nói chung và Nam A Bank nói riêng chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, đồng thời sử dụng các biện pháp khác nhằm kéo giảm tỷ lệ nợ xấu về mức thấp nhất có thể.
Theo đó, Nam A Bank thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng theo đúng quy định của NHNN trên cơ sở số dư cấp tín dụng, nhóm nợ, giá trị và loại tài sản bảo đảm của khách hàng vay.
Theo bà, Thông tư 14 ra đời sẽ tác động ra sao đến quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới?
Thông tư số 14/2015/TT-NHNN của NHNN có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, giúp tiến trình xử lý nợ xấu sẽ khởi sắc hơn, nhanh hơn.
Điểm mới trong Thông tư 14 là việc bổ sung hình thức VAMC mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường thông qua việc phát hành trái phiếu trực tiếp cho TCTD bán nợ xấu. Theo đó, trái phiếu do VAMC phát hành sẽ được chuyển nhượng giữa NHNN với các TCTD và giữa các TCTD với nhau, trong khi trái phiếu đặc biệt không được chuyển nhượng.
Thứ hai, sau khi bán nợ, TCTD không phải trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đó.
Thứ ba, TCTD được xác định hệ số rủi ro của trái phiếu là 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trong khi với trái phiếu đặc biệt là 20%.
Thứ tư, về thanh toán trái phiếu, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày trái phiếu phải thanh toán, VAMC thanh toán toàn bộ mệnh giá trái phiếu cho TCTD, trong khi đối với trái phiếu đặc biệt, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày trái phiếu đặc biệt đến hạn thanh toán, TCTD bán nợ có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ số tiền vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt tương ứng (nếu có), được NHNN ngừng phong tỏa trái phiếu đặc biệt theo quy định và phối hợp với VAMC thực hiện thanh toán trái phiếu đặc biệt.
Thứ năm, mệnh giá của trái phiếu bằng giá mua bán của khoản nợ xấu, trong khi mệnh giá trái phiếu đặc biệt được xác định theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc khách hàng vay chưa trả đã được khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó.
Theo bà, khó khăn lớn nhất trong xử lý nợ xấu của Ngân hàng hiện nay là gì?
Việc xử lý nợ xấu, nhất là nợ nhóm 5, gặp không ít khó khăn như sự thiếu hợp tác từ phía khách hàng, sự giảm giá trị của tài sản đảm bảo nợ so với thời điểm vay vốn, chậm trễ trong công tác thi hành án... Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng trong thời gian tới, NHNN cùng các cơ quan chức năng sẽ có những chủ trương, chỉ đạo đúng đắn nhằm khắc phục, chấn chỉnh các bất cập, giúp các TCTD tháo gỡ những khó khăn, làm lành mạnh hệ thống ngân hàng thương mại và giúp kinh tế nhanh phục hồi.
Tình hình tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng 3 quý đầu năm ra sao? Theo bà, nhu cầu vốn của khách hàng có tăng mạnh trong quý IV/2015?
Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN chấp thuận lên đến 25% trong năm 2015, hứa hẹn tình hình tín dụng tại Nam A Bank trong các tháng cuối năm sẽ thật sự sôi động. Đồng thời, triển vọng kinh tế tốt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu cũng dần hồi phục nên nhu cầu vốn sẽ còn tăng, nhất là dịp cuối năm.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng đang nóng dần trở lại sau 2 năm đóng băng giúp nhu cầu mua nhà ở của người dân tăng cao. Ngoài ra, cuối năm cũng là dịp để tiêu dùng, mua sắm. Tất cả những yếu tố trên sẽ mở ra một tín hiệu mừng cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng trong thời gian tới.