TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright

Xử lý nợ xấu: Không thể không tốn tiền

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, trong bối cảnh các ngân hàng không có đủ nguồn lực để xử lý nợ xấu hiện nay, trong khi rất khó thu hút nguồn lực nước ngoài, thì việc tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu không thể không tốn tiền. 

Quan điểm của ông thế nào về bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng hiện nay?

Quan điểm của tôi về nợ xấu không phải chỉ là câu chuyện xử lý, mà làm sao để các ngân hàng có đủ vốn chủ sở hữu để phát triển. Nếu quyết liệt phải xử lý nợ xấu theo cách buộc ngân hàng trích dự phòng rủi ro đủ cho số nợ xấu đó, thì các ngân hàng sẽ mất vốn chủ sở hữu. Thậm chí, một số ngân hàng có vốn chủ sở hữu sẽ thấp hơn mức quy định 3.000 tỷ đồng, hoặc âm vốn.

Trong khi đó, trong bối cảnh hiện nay, để tiếp tục hoạt động, các ngân hàng xem ra phải lờ đi khoản nợ xấu, hay nói cách khác là tạm cất nợ xấu đi (cất trong ngân hàng, cất ở Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC, cất ngoài ngân hàng).

"Nguồn lực nhà nước phải bỏ ra trước để tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém, nhưng nguồn lực này không phải để cứu các chủ ngân hàng, cũng không phải để xóa nợ cho những người đã vay nợ ngân hàng và trở thành nợ xấu"

- TS. Nguyễn Xuân Thành.

Đồng thời, không ít ngân hàng cũng rất muốn đầu tư rủi ro, với kỳ vọng thành công để có nguồn lợi nhuận khắc phục nợ xấu. Đây chính là áp lực đối với các cơ quan quản lý nhằm kiểm soát rủi ro. Thực tế này đã xảy ra ở một số ngân hàng khi đầu tư quá đà, dẫn đến nợ xấu cao, rủi ro lớn và Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải mua lại với giá 0 đồng.

Còn với ngân hàng có khả năng trích dự phòng, liệu có khả năng giải quyết dứt điểm bài toán nợ xấu và tái cấu trúc thành công, đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới?

Ngược lại với thực trạng trên, nhiều ngân hàng có vấn đề về nợ xấu, nhưng rất thận trọng với rủi ro. Thậm chí, thanh khoản của các nhà băng này đủ và tốt, song họ vẫn rất dè chừng trong việc phát triển tín dụng, chỉ cho vay đối với những doanh nghiệp lớn, có uy tín và hoạt động hiệu quả, nhằm hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu.

Một thực tế trên thị trường hiện nay là, các ngân hàng chỉ nhắm đến một nhóm doanh nghiệp lớn, uy tín hoạt động kinh doanh tốt để cho vay, cho dù lãi suất cạnh tranh ở mức khá thấp hoặc họ chỉ đầu tư vào các danh mục an toàn như trái phiếu chính phủ. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có kế hoạch kinh doanh tốt, nhưng lại được ngân hàng nhìn nhận là có rủi ro, nên ngần ngại cho vay. Đó cũng chính là lý do vì sao các doanh nghiệp thuộc phân khúc này luôn kêu khó tiếp cận vốn ngân hàng hoặc vay vốn lãi suất khá cao.

Vậy hướng xử lý nợ xấu thời gian tới cần những giải pháp cụ thể nào?

Bài toán được đặt ra trong bối cảnh này là, các ngân hàng không có đủ nguồn lực để xử lý nợ xấu và Nhà nước chưa quyết định có dùng nguồn ngân sách để xử lý nợ xấu hay không.

Trước hết, các ngân hàng phải dùng nguồn lực từ lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro. Việc thu hút nguồn lực bên ngoài để xử lý nợ xấu đã được đề cập và các ngân hàng cũng kỳ vọng việc này giúp giải quyết được bài toán nợ xấu nhanh hơn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận rằng, nợ xấu của Việt Nam chưa được đánh giá thực chất, nên họ chưa dám đầu tư.

Trong bối cảnh như vậy, có thể nói, không thể tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu mà không tốn tiền. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm ở đây là tiền đó của ai. Tôi nghĩ, nguồn lực nhà nước phải bỏ ra trước để tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém, nhưng nguồn lực này không phải để cứu các chủ ngân hàng, cũng không phải để xóa nợ cho những người đã vay nợ ngân hàng và trở thành nợ xấu.

Khi có nguồn lực nhà nước vào để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, chủ ngân hàng phải đứng ra một bên, chịu mất một phần, thậm chí là mất hết tài sản. Điều đó cũng đã được Ngân hàng Nhà nước thực thi trong thời gian qua khi mua lại 3 ngân hàng 0 đồng. Trường hợp nếu các ngân hàng đó sau khi dọn dẹp mà vốn chủ sở hữu vẫn âm thì cần đóng cửa, giải thể, rút giấy phép…

Việc dùng nguồn lực nhà nước để xử lý nợ xấu thì cũng không thể loại trừ rủi ro, thưa ông?

Sau khi dọn dẹp sạch sẽ và loại bỏ các phần xấu trong ngân hàng thì với những phần tốt còn lại, Ngân hàng Nhà nước có thể bán lại những ngân hàng này cho các nhà đầu tư nước ngoài hoặc trong nước. Theo tôi, các nhà đầu tư sẽ quan tâm và bỏ tiền mua lại tài sản này. Nhưng ở đây, Nhà nước sẽ vẫn phải chịu rủi ro, bởi sau khi tái cấu trúc xong, Nhà nước cũng sẽ chịu thiệt, khi phải dùng tiền để bù đắp tiền gửi cho người dân…

Chính điều này đã tạo ra sự nghi ngờ trong việc dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Vì vậy, bài toán đặt ra ở đây là cần phải minh bạch trong việc dùng ngân sách xử lý nợ xấu, phải xác định rõ là không phải để cứu chủ ngân hàng, cứu con nợ, mà làm sao để hoạt động của ngành ngân hàng ngày một lành mạnh hơn, để nợ xấu được xử lý triệt để và hiệu quả.

Tin bài liên quan