Xử lý nợ xấu không nên là hoạt động công ích

Xử lý nợ xấu không nên là hoạt động công ích

(ĐTCK) Xét trên nhiều góc độ, đề xuất thành lập công ty mua bán nợ của NHNN còn một số điểm chưa khả thi.

LTS: Hiện đang có nhiều ý kiến liên quan đến đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc thành lập công ty mua bán nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Luồng ý kiến ủng hộ cho rằng, đó là một bước đi hợp lý nhằm mục đích xử lý triệt để nợ xấu trong hệ thống tín dụng. Luồng ý kiến khác lại lo ngại nguy cơ thất thoát vốn nhà nước khi việc định giá các khoản nợ xấu để mua sẽ rất phức tạp, dễ xảy ra tình trạng xin - cho. Nhằm tạo nên một diễn đàn mở, ĐTCK sẽ lần lượt đăng tải các bài viết của các chuyên gia trong ngành về vấn đề này.

Việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là một giải pháp cấp thiết nhằm lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các NHTM và DN. Tuy nhiên, xét trên nhiều góc độ, đề xuất thành lập công ty mua bán nợ của NHNN còn một số điểm chưa khả thi.

Nợ xấu của hệ thống tín dụng được công bố vào khoảng 100.000 tỷ đồng

Thứ nhất, về vốn hoạt động: với mục đích thành lập công ty mua bán nợ xấu để xử lý dứt điểm nợ xấu trong hệ thống tín dụng, số vốn cần có để thực hiện quá trình này sẽ cực lớn. Nếu lấy theo giá mua nợ xấu có khả năng xử lý thông qua tái cấu trúc DN bình quân khoảng 30% giá trị sổ sách khoản nợ thì với khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu của toàn hệ thống tín dụng, số vốn tối thiểu mà công ty này cần phải có là khoảng 30.000 tỷ đồng. Do đó, nếu sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) để công ty mua bán nợ xấu hoạt động thì gánh nặng ngân sách sẽ rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Đấy là chưa tính đến việc số chi ngân sách lớn phải được lập dự toán NSNN hàng năm và phải được Quốc hội thông qua.

Trong trường hợp nguồn vốn NSNN không đáp ứng được thì còn một hướng đi khác là NHNN có thể cho phép công ty mua bán nợ xấu phát hành trái phiếu do NHNN bảo lãnh để thanh toán tiền mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng (các trái phiếu này sẽ được xác định như là một chứng khoán nợ, các tổ chức tín dụng có thể được cầm cố, thế chấp). Tuy nhiên, để được các tổ chức tín dụng chấp nhận thanh toán tiền mua nợ bằng trái phiếu thì thời hạn thanh toán và lãi suất trái phiếu phải đảm bảo tương đương như các loại trái phiếu phát hành trên thị trường. Trong trường hợp việc phát hành trái phiếu này không được tính toán đầy đủ căn cứ trên khả năng và thời gian thu hồi từ xử lý nợ xấu, nếu đến hạn thanh toán trái phiếu mà công ty mua bán nợ xấu chưa xử lý được nợ thì sẽ không có nguồn để thanh toán cho các tổ chức tín dụng và lúc đó, khoản nợ này lại có thể trở thành một khoản nợ xấu khác. Tình trạng này tạo ra gánh nặng cho Nhà nước, khi NHNN là đơn vị bảo lãnh, sẽ phải sử dụng NSNN để thanh toán thay cho công ty mua bán nợ xấu.

Thứ hai, về hiệu quả xử lý nợ xấu: việc gom nợ vào một đầu mối mới giải quyết được một phía là giúp đưa nợ xấu ra khỏi hệ thống tín dụng một cách nhanh chóng, làm sạch bảng tổng kết tài sản của tổ chức tín dụng, nhằm mục đích cải thiện năng lực tài chính của tổ chức tín dụng trong hoạt động cho vay. Trong khi đó, khách nợ của khoản nợ xấu này chủ yếu là các DN, bộ phận chủ đạo của nền kinh tế, nhưng hoạt động kinh doanh hiện đang giảm sút, đình trệ; thua lỗ, mất hoặc âm vốn chủ sở hữu; sản phẩm, hàng hóa tồn kho lớn; có nguy cơ rơi vào tình trạng phá sản... Kể cả sau khi được công ty mua bán nợ xấu tiếp nhận quyền chủ nợ từ các tổ chức tín dụng thì tình hình của DN cũng khó được cải thiện. DN không thể tiếp tục vay vốn mới từ các tổ chức tín dụng, do không còn đủ điều kiện vay vốn vì đang kinh doanh thua lỗ và không còn tài sản để thế chấp khi các tài sản đã được công ty mua bán nợ xấu nắm giữ. Với tình hình như vậy, khả năng thu hồi nợ của công ty mua bán nợ từ các khách nợ này ngày càng khó khăn, thậm chí dẫn đến mất vốn do không thu hồi được nợ, nhất là đối với các khoản nợ không có tài sản đảm bảo. Điều này kéo theo hệ quả là công ty mua bán nợ sẽ không đủ nguồn để thanh toán gốc và lãi của trái phiếu phát hành cho tổ chức tín dụng khi đến hạn.

Do đó, vấn đề nợ xấu của nền kinh tế sẽ không giải quyết được một cách triệt để, nợ xấu vẫn tiếp tục là nợ xấu do các khách nợ là DN không có điều kiện để phục hồi sản xuất - kinh doanh, không tạo ra dòng tiền để thanh toán nợ cũ cho chủ nợ, tài sản của DN bị chuyền qua lại nhiều tay chủ nợ, chậm được đưa vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, gây lãng phí của cải và nguồn lực của xã hội.

Thứ ba, về phương thức xử lý nợ xấu: nếu công ty mua bán nợ xấu của hệ thống ngân hàng hoạt động như mô hình các công ty mua bán nợ (AMC) trực thuộc các NHTM hiện nay thì phải xem xét. Bởi trong thời gian qua, hoạt động của các công ty AMC còn nhiều hạn chế, gần như mang chức năng một bộ phận xử lý nợ của ngân hàng, không tất toán được các khoản nợ xấu sau khi được ngân hàng chuyển cho các công ty này xử lý, việc xử lý nợ xấu chỉ tập trung thông qua đòi nợ, khởi kiện ra tòa án hoặc xử lý tài sản đảm bảo nợ. Đối với những khoản nợ  không có tài sản đảm bảo do được tổ chức tín dụng cho vay theo hình thức tín chấp, hoặc tài sản đảm bảo không có khả năng thu hồi hoặc thu hồi rất thấp thì các công ty này cũng bó tay.

Trong trường hợp công ty mua bán nợ xấu thực hiện xử lý nợ xấu thông qua chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cấu trúc DN khách nợ như Công ty mua bán nợ - Bộ Tài chính (DATC) đang thực hiện thì với việc mua lại toàn bộ nợ xấu từ hệ thống tín dụng không có chọn lọc, không đánh giá được khả năng thu nợ từ tái cấu trúc DN và giá mua nợ không phù hợp, sẽ khó có thể đảm bảo hiệu quả cho phương án tái cấu trúc và xử lý nợ xấu của công ty. Ngoài ra, việc tái cấu trúc DN gắn với xử lý nợ không chỉ là xử lý tài chính thông thường, mà còn phải gắn với tái cấu trúc quản trị, sắp xếp sản xuất - kinh doanh, tìm kiếm nhà đầu tư và khách hàng mới cho DN, thì mới có thể giúp DN khách nợ phục hồi sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn trả nợ cho công ty.

Có thể nói, mua nợ mới chỉ là bước đi đầu tiên, việc cơ cấu khoản nợ xấu của DN thành nợ có thể thanh toán mới là giải pháp căn cơ và bền vững. Hoạt động này đã được DATC thực hiện khá thành công từ 6 - 7 năm nay. Mô hình này có thể nhân rộng bằng cách tăng quy mô hoạt động, thậm chí có thể tách DATC thành 2 - 3 công ty mua bán nợ, hoặc cho phép thành lập công ty cổ phần mua bán nợ có vốn góp lớn của DATC. Vì nếu chỉ một mình DATC hoạt động trong lĩnh vực này thì vẫn còn gặp nhiều hạn chế về chính sách, hạn chế về vốn và nhân sự trong xử lý nợ xấu cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, phải xác định hoạt động xử lý nợ xấu không phải là hoạt động công ích. Nhà nước không nhất thiết phải can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh, mà chỉ đặt mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn đã được Nhà nước cấp đối với khối công ty này.