Thời gian qua, các ngân hàng đã tích cực bán nợ xấu cho VAMC, thậm chí trong năm 2015, các nhà băng phải bán nợ xấu theo chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp xuống. Tuy nhiên, bản chất quan trọng của vấn đề vẫn là việc xử lý nợ xấu của ngân hàng ra sao cho hiệu quả và đầu ra nợ xấu đã tốt hơn chưa?
TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa tài chính - ngân hàng,
Trường đại học Mở TP. HCM
Tháo nút thắt tạm thời
Có thể nói, việc bán nợ xấu cho VAMC mới chỉ tháo được nút thắt tạm thời, bởi sau khi bán nợ, ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu đặc biệt nhận lại. Sau 5 năm, nếu các nhà băng trích lập đủ dự phòng 100% cho khoản nợ xấu đó thì xem như đã xử lý xong được khoản nợ xấu này. Ngược lại, nếu khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, ngân hàng xử lý được triệt để, tận gốc, thì phần dự phòng đã trích sẽ được hoàn nhập vào lợi nhuận.
Như vậy, bán nợ xấu cho VAMC, cái được lớn nhất của ngân hàng chỉ là làm “sạch” được bảng cân đối kế toán, giãn thời gian và áp lực xử lý nợ xấu. Thực tế, về bản chất, bán nợ xấu cho VAMC không có nghĩa ngân hàng đã xử lý xong ngay nợ. Về cơ bản, bán nợ xấu mỗi năm ngân hàng chỉ xử lý được 20% nợ xấu từ nguồn dự phòng rủi ro, nên việc phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận là khó tránh.
Thông tư 14/2015/TT-NHNN, sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC, vừa được NHNN ban hành cho phép VAMC phát hành trái phiếu mới, nhưng thực tế cho thấy, cũng không có sự khác biệt nhiều so với trái phiếu đặc biệt.
Điểm khác biệt duy nhất là trái phiếu mới sẽ được mua lại nợ xấu theo cơ chế thị trường, thay vì mua theo giá ban đầu như trước đây. Điều này giúp linh hoạt hơn trong định giá, giá cả mua - bán nợ cũng được định hình rõ hơn, từ đó vai trò của VAMC cũng được nâng cao hơn.
Theo đó, VAMC có thể mua nợ xấu theo cơ chế thị trường, sau đó bán lại với giá cao hơn, hoặc cũng có thể lỗ. Quyền hạn của VAMC được nâng lên khi được phép phát hành trái phiếu mua nợ theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là nợ xấu được xử lý triệt để. Thông tư 14 tuy đã tháo gỡ một số vấn đề qua việc xử lý nợ của VAMC, nhưng chưa đáp ứng những yêu cầu của thị trường, đó là việc mua - bán phải thực hiện trên cơ sở mua đứt - bán đoạn.
Các ngân hàng thương mại bán nợ xấu cho VAMC theo cơ chế mới, khi đó, VAMC đương nhiên trở thành chủ nợ mới, kế thừa toàn bộ trách nhiệm và quyền lợi của chủ nợ. Điều này có nghĩa, trong chức năng mới, VAMC sẽ toàn quyền xử lý nợ xấu theo cách tốt nhất của mình như xử lý nợ, thanh lý tài sản, tranh tụng trước pháp luật và bán nợ cho một chủ thể khác mà không cần có sự đồng ý hay hợp tác của chủ nợ cũ và con nợ. Nhưng liệu điều này có thực hiện được khi một số tòa án vẫn chưa chấp nhận chủ nợ mới và việc thi hành án vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của các con nợ?
Chính vì thế, Thông tư 14 vẫn chưa đưa ra cơ sở để VAMC xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, nếu các quy định khác của luật pháp chưa được sửa đổi để trao cho chủ nợ mới quyền lực cần thiết để xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo như tại các nước tiên tiến. Đồng thời, mỗi giao dịch mua - bán phải được thực hiện trên cơ sở “tiền tươi, thóc thật”.
Trong khi đó, Thông tư 14 cho phép VAMC phát hành trái phiếu để trả cho các khoản nợ xấu mua từ các tổ chức tín dụng, nhưng trái phiếu này chưa được giao dịch một cách rộng rãi, mà chỉ được chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng và giao dịch với các ngân hàng để tái cấp vốn. Trái phiếu theo cơ chế Thông tư 14 vẫn chưa thể hoán đổi ra tiền mặt một cách nhanh chóng. Mặt khác, nguồn lực để xử lý nợ xấu hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa thu hút được nguồn lực bên ngoài.
Cần thị trường mua - bán nợ
Trên thực tế, các cơ chế đưa ra để xử lý nợ xấu thời gian qua vẫn có những hạn chế nhất định. Với VAMC, lâu nay, đơn vị này chỉ làm nhiệm vụ mua nợ xấu từ các ngân hàng thương mại để làm sạch bảng cân đối kế toán cho các nhà băng, nhưng chưa thể thực hiện được vai trò xử lý triệt để nợ xấu khi quyền lực cũng có hạn. Mặc dù đã được tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, nhưng với lượng nợ xấu “khổng lồ” từ các ngân hàng thương mại, thì mức vốn trên của VAMC không thấm vào đâu. Vì thế, nếu không xử lý được đầu ra cho nợ xấu, VAMC khó có thêm điều kiện để mua nợ xấu mới. Do đó, cần thiết phải hình thành một thị trường mua - bán nợ quốc gia để giải quyết tận gốc nợ xấu.
Đối với các nhà băng, để xử lý được nợ xấu, ngân hàng kỳ vọng thị trường bất động sản ấm lên, tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình phát mại tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, thay vì trì trệ như hiện nay. Tuy nhiên, để giải quyết được bài toán xử lý nợ xấu nhanh, kể cả khi thị trường bất động sản ấm lên, thì vẫn đòi hỏi cả con nợ và chủ nợ phải có sự “hy sinh”.
Bởi giá bán đối với các tài sản có nhu cầu phát mại sớm trong bối cảnh thị trường hiện nay sẽ khó có thể kỳ vọng được mức giá như trước đây, mức giá bán chỉ còn lại khoảng 50 - 60% so với mức định giá tại thời điểm cho vay, thậm chí là thấp hơn. Đặc biệt, khi các khoản nợ xấu được mua - bán theo cơ chế thị trường, việc hạch toán lỗ trong bán nợ có thể tăng. Điều đó được chứng minh qua khoản nợ xấu của Vinashin đã được định giá chỉ bằng 30% giá thị trường. Vì vậy, đòi hỏi phải có một thị trường mua - bán nợ để thu hút nhiều nguồn lực tham gia.
Mặc dù NHNN cho biết, đã kiểm soát nợ xấu về 3% - được xem là một trong những nỗ lực lớn của ngành ngân hàng, nhằm ổn định thanh khoản, ổn định về mặt tâm lý, nhưng yêu cầu trước hết đối với các ngân hàng thương mại vẫn là tăng trích lập dự phòng rủi ro, sau đó sẽ tiếp tục xử lý nợ xấu.
Nợ xấu của ngành ngân hàng tuy chưa được giải quyết và xử lý một cách triệt để, nhưng so với 3 năm trước, hiện nợ xấu không còn là vấn đề đáng lo ngại. Các ngân hàng đã tránh được đổ vỡ vì nợ xấu khi NHNN đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, sáp nhập, hợp nhất những ngân hàng yếu với nhau.
Khả năng nợ xấu phát sinh trong kinh doanh ngân hàng là điều khó tránh, nhưng có chăng cũng tập trung nhiều vào những khoản vay cũ hoặc các khoản nợ tái cơ cấu theo Quyết định 780 khi đáo hạn chưa xử lý được.
Còn nợ xấu phát sinh từ những khoản vay mới trong thời gian tới dự báo sẽ không đáng kể, một phần, ngân hàng đã thận trọng hơn trong quá trình đẩy vốn cho vay, cũng như tăng kiểm soát rủi ro nợ xấu. Tuy nhiên, nếu khẳng định sức khỏe của các ngân hàng đã hoàn toàn tốt thì chưa thể, mà cần tiếp tục theo dõi trong thời gian tới.