NHNN ước tính, tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2014 giảm còn 3,7 - 4,2%

NHNN ước tính, tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2014 giảm còn 3,7 - 4,2%

Xử lý nợ xấu gặp khó ở tài sản bảo đảm

(ĐTCK) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, giá trị tài sản bảo đảm có giá trị gấp 2 lần giá trị nợ. Tuy nhiên, tài sản bảo đảm là một trong những lý do khiến quá trình xử lý nợ xấu bị chậm lại.

Tích cực xử lý nợ xấu

Theo báo cáo tại kỳ họp Quốc hội cuối tháng 11/2014, tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng là 17%. Đến tháng 10/2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012, chủ yếu bằng các giải pháp: thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tài sản bảo đảm.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng lên NHNN, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2014 là 3,8% và có xu hướng giảm; tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%; ước cuối năm 2014 còn khoảng 2,5 - 2,7%. Nhưng theo giám sát của NHNN, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2014 khoảng 5,4% và ước đến cuối năm 2014 còn 3,7 - 4,2%. NHNN đánh giá nợ xấu cao hơn là do việc đánh giá, phân loại chặt chẽ hơn. 

Cơ chế xử lý tài sản bảo đảm còn bất cập

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, các ngân hàng có thể bán nợ kèm tài sản bảo đảm cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) hoặc giữ lại, tùy từng khoản nợ, nhưng cả VAMC và các ngân hàng đều muốn bán ra các tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Theo quy định của ngành ngân hàng, nợ xấu (gồm nợ nhóm 3, 4, 5) là nợ quá hạn 90 ngày và khả năng trả nợ đáng lo ngại. Trên thực tế, nợ xấu tức là nợ quá hạn và ngân hàng không xử lý được ngay cả khi có tài sản bảo đảm.

Một phần nguyên nhân là do cơ chế xử lý tài sản bảo đảm còn bất cập, hệ thống ngân hàng cần sự hỗ trợ từ các cơ quan tiến hành tố tụng để xử lý đúng thời gian, công bằng và đúng bản chất giao dịch. Nhưng với quy định về tố tụng hiện nay, một vụ kiện đòi nợ của ngân hàng (tranh chấp hợp đồng tín dụng) có thể kéo dài đến vài năm, mà chưa có được bản án hiệu lực pháp luật để ngân hàng có thể xử lý tài sản bảo đảm. 

… và tài sản bảo đảm “có vấn đề”

Tình trạng không xử lý được tài sản bảo đảm còn xuất phát từ tình trạng pháp lý của các tài sản này như tài sản có tranh chấp về sở hữu, tài sản không được thế chấp, tài sản bị bán cho bên thứ ba, tài sản được thế chấp nhiều lần, tài sản bị lừa đảo...

Nhìn lại các vụ việc đòi nợ của ngân hàng, có nhiều trường hợp, khi nợ quá hạn, ngân hàng đi kiểm tra mới phát hiện tại địa chỉ nhà đất thế chấp không có nhà và cũng không có giấy tờ đất nào như trong hồ sơ vay vốn. Nguyên nhân là do cán bộ tín dụng đã không đi thẩm định tại chỗ, mà chỉ nhận hồ sơ giấy tờ về tài sản bảo đảm.

Có trường hợp ngân hàng không công chứng hợp đồng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm dẫn đến khi có tranh chấp, khách hàng đề nghị tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu. Thậm chí, có ngân hàng khi cấp tín dụng đã nhận tài sản thế chấp là nhà đất và sau đó không rõ vì lý do gì đã giải chấp, dù chưa thu hồi nợ. Chưa kể, hàng loạt nhà đất được thế chấp trong ngân hàng nhưng thực chất là “sổ đỏ giả, phôi thật” trong các vụ án lừa đảo được phát hiện gần đây.

Một trường hợp dở khóc, dở cười khi DN thế chấp nhà xưởng trong khu công nghiệp và không trả được nợ, tài sản bảo đảm tuy có và ngân hàng toàn quyền xử lý, nhưng ngân hàng không làm gì được với tài sản này. Bởi lẽ, DN sở hữu nhà xưởng, nhưng đất là đi thuê. Ngân hàng bán nhà xưởng thì không ai mua, vì mua về biết “bê” đi đâu. Trong khi đó, ngân hàng còn bị khu công nghiệp giục xuống lấy nhà xưởng về, trả đất để họ còn cho thuê tiếp. Đương nhiên, khoản cho vay coi như mất trắng.

Thực tế phổ biến ở Việt Nam là tài sản của nhiều người, nhưng do một người đứng tên hoặc đứng tên hộ, dẫn đến tài sản bảo đảm có tranh chấp về sở hữu và ngân hàng không thể xử lý. Đơn cử trường hợp bố mẹ nhờ con đứng tên trong sổ tiết kiệm hay phí công đoàn của DN được giao cho một cán bộ đứng tên gửi tiết kiệm. Trong trường hợp này, chỉ có tòa án mới có thể đưa ra phán quyết về chủ sở hữu.

Những tình huống thực tế trên khiến ngân hàng không thể xử lý tài sản bảo đảm, mà nguyên nhân có thể là do lỗi chủ quan khi nhân viên ngân hàng bỏ sót quy trình, nghiệp vụ; cũng có thể là khách quan do thiên tai, bão lũ khiến tài sản bảo đảm bị mất, hao hụt giá trị; thậm chí có cả nguyên nhân từ “cạm bẫy” pháp lý.

Hiệu quả xử lý nợ xấu còn phụ thuộc nhiều vào thực trạng các khoản nợ, các tài sản đi kèm, bởi khi không có tài sản bảo đảm, khách hàng phá sản thì ngân hàng buộc phải sử dụng dự phòng và không còn cơ hội chờ hoàn nhập dự phòng. 

Tin bài liên quan