Để giải quyết nợ xấu, không chỉ cần nỗ lực của riêng ngành ngân hàng

Để giải quyết nợ xấu, không chỉ cần nỗ lực của riêng ngành ngân hàng

Xử lý nợ xấu: Chờ cú huých từ thi hành án

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Việc sửa đổi luật, văn bản dưới luật về công tác thi hành án kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập của quy định hiện hành, từ đó tháo gỡ phần nào khó khăn, vướng mắc trong thu hồi, xử lý nợ xấu.

Nợ xấu tăng lên

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 5/2024, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 833.300 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2023. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng bình quân của các tổ chức tín dụng ở mức 4,94%. Nếu tính cả nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 5/2024 thì tỷ lệ này là 6,9% (cuối năm 2023 là 6,91%). Nợ xấu tập trung chủ yếu tại một số tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Nhận định được ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn chịu rủi ro từ cả trong nước và ngoài nước. Do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn với kinh tế toàn cầu, yếu tố bất định chính phát sinh do tăng trưởng toàn cầu thấp hơn dự kiến, đặc biệt ở các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Những diễn biến đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo, sản xuất công nghiệp mà Việt Nam có mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới leo thang có thể tác động tiêu cực thêm đến hoạt động xuất khẩu.

Về các yếu tố rủi ro trong nước, ông Andrea Coppola cho rằng, nếu kinh tế vĩ mô yếu đi, niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục bị ảnh hưởng, ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư. Thị trường bất động sản có thể phục hồi lâu hơn dự kiến, ảnh hưởng bất lợi đến đầu tư của khu vực tư nhân, là yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Nếu chất lượng tài sản trong khu vực tài chính tiếp tục yếu đi, năng lực cho vay của ngân hàng có thể bị suy giảm.

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao WB tại Việt Nam cũng khẳng định, chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là một mối quan ngại kể từ năm 2023. Nợ xấu toàn hệ thống tăng mạnh, từ mức 1,9% năm 2022 lên 4,6% tổng dư nợ cho vay năm 2023, chủ yếu do ghi nhận nợ xấu của SCB. Mặc dù vậy, tổng nợ vay được coi là nợ xấu có thể lên đến 7,9%, nếu tính cả các khoản vay được tái cơ cấu và nợ của VAMC. Tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng thương mại niêm yết, chiếm 83% tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng tăng từ 1,9% trong quý IV/2023 lên mức 2,2% trong quý I/2024, trong điều kiện nợ xấu tăng kết hợp với tăng trưởng tín dụng chững lại.

“Ngoài ra, các biện pháp gia hạn cơ cấu nợ nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, cá nhân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt vào tháng 12/2024, có thể khiến cho tỷ lệ nợ xấu còn cao hơn nữa. Nhu cầu dự kiến về tăng dự phòng, bổ sung dự phòng tổn thất vốn vay đang gây thêm áp lực cho lợi nhuận của các ngân hàng vốn đã bị co kéo do thu nhập lãi thuần, phí và hoa hồng đang chững lại”, bà Dorsati Madani nhận định.

Chờ cú huých từ thi hành án

Cũng theo NHNN, trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 96.700 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ở mức cao, chiếm 48,9% tổng nợ xấu được xử lý.

Một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, cơ quan quản lý đang tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, thu hồi nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tuy nhiên, do nền kinh tế thế giới và trong nước chưa thực sự hồi phục, thị trường bất động sản trầm lắng, nợ xấu vẫn có xu hướng tăng và việc xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để tiếp tục kiểm soát và xử lý nợ xấu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra tại Đề án 689, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt tín dụng, định giá và quản lý tài sản bảo đảm; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra sử dụng vốn vay; đẩy mạnh các biện pháp xử lý, thu hồi nợ xấu nội, ngoại bảng nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu đã đề ra tại Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu trên 3% (trên 5% đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng) cần xây dựng và nghiêm túc triển khai các giải pháp phù hợp, trong đó có việc thành lập ban chỉ đạo xử lý, thu hồi nợ xấu tại tổ chức tín dụng và tổ xử lý nợ xấu tại các đơn vị có tỷ lệ nợ xấu cao, xây dựng kế hoạch, lộ trình và quyết liệt tổ chức thực hiện nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% (dưới 5% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng) vào ngày 31/12/2025.

Từ góc nhìn của bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, để giải quyết nợ xấu, không chỉ cần nỗ lực của riêng ngành ngân hàng mà cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó có sự tham gia của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự.

Thi hành án dân sự là hoạt động của Nhà nước nhằm đưa bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được thực thi trên thực tiễn. Đây là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án được xác định trong bản án, quyết định, đặc biệt các vụ việc thi hành cho các tổ chức tín dụng (chiếm khoảng 60% số tiền phải thi hành án toàn quốc). Việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng góp phần tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cải thiện được thanh khoản, mở rộng tín dụng hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ.

Cũng theo bà Hà, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung ngay nhằm kịp thời tháo gỡ những “rào cản” từ Nghị định: Thứ nhất, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn công tác thi hành án dân sự hiện nay; thứ hai, một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng về trình tự thủ tục dẫn đến cách hiểu và thực hiện chưa thống nhất; thứ ba, một số nội dung cần quy định bổ sung để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan.

Theo Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 8/6/2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự thảo Luật Thi hành án dân sự dự kiến đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông thường sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2026. Như vậy, từ nay đến khi Luật Thi hành án dân sự dự kiến có hiệu lực là 2 năm. Trong thời gian đó, để đáp ứng yêu cầu về việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mang tính cấp thiết trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự…, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ là yêu cầu cần thiết hiện nay.

Tin bài liên quan