Xử lý nợ xấu: Quyết tâm rõ ràng của NHNN
Ngay từ đầu năm 2015, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD cùng các văn bản chỉ đạo xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015 với mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% cho thấy, sự quyết liệt của NHNN trong vấn đề này.
Trao đổi với ĐTCK, Tổng giám đốc một NHTM chia sẻ, ngân hàng ông thường xuyên nhận được các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng, kèm theo áp dụng các biện pháp hỗ trợ (như quản lý cấp phép, kiểm soát tăng trưởng tín dụng…) để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu.
“NHNN cũng đã có biện pháp hỗ trợ về việc trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu và trái phiếu đặc biệt phù hợp với khả năng tài chính của TCTD trong một số trường hợp khó khăn hoặc đang thực hiện cơ cấu lại theo phương án được phê duyệt”, vị Tổng giám đốc trên nói.
Theo một lãnh đạo cao cấp NHNN, thông qua các buổi làm việc với các TCTD, NHNN đã tổng hợp các vướng mắc, bất cập về quy định pháp luật liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, báo cáo và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý. NHNN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường… và hiện đang khẩn trương hoàn thiện, ban hành các thông tư hướng dẫn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động mua bán, xử lý nợ của VAMC và các TCTD.
Tìm hiểu của ĐTCK, trong 4 tháng đầu năm 2015, nợ xấu đã được xử lý gần 26 nghìn tỷ đồng, lũy kế từ năm 2012 đến nay đạt khoảng 337 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 73% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012. Từ đầu năm 2015 đến cuối tháng 6/2015, VAMC đã duyệt mua hơn 33 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tổng dư nợ theo hồ sơ đề nghị đã tiếp nhận gần 50.000 tỷ đồng), lũy kế kể từ khi thành lập đến cuối tháng 6/2015, VAMC đã mua được khoảng 158 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Tình hình xử lý nợ xấu của các ngân hàng đến đâu?
Theo Chỉ thị số 02, đến ngày 30/6/2015, TCTD phải xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, trong đó, chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015.
Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, Phó tổng giám đốc một ngân hàng phụ trách mảng xử lý nợ xấu cho biết, nếu tính đến thời điểm cuối năm 2014, nợ xấu của ngân hàng vào khoảng 5%, thì thời điểm hiện tại, con số nợ xấu mới giảm được khoảng 1% trên tổng dư nợ. Đến cuối tháng 6/2015, số nợ xấu bán cho VAMC mới đạt khoảng 1/4 kế hoạch 6 tháng đầu năm.
Lý giải vì sao việc xử lý nợ xấu diễn ra chậm chạp, vị lãnh đạo này cho biết, xử lý nợ xấu không phải là câu chuyên riêng của bộ phận xử lý nợ mà đó là hoạt động cần sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều phòng, ban khác trong toàn ngân hàng, đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng; phát triển sản phẩm dịch vụ; trích lập dự phòng và siết chặt hơn nữa quản trị rủi ro, đề phòng nợ xấu mới phát sinh…
“Liên quan đến bán nợ xấu cho VAMC chậm chạp một phần do hồ sơ bán nợ phải được thẩm định tại ngân hàng rất kỹ mới chuyển lên VAMC. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là nguồn nhân lực của VAMC cũng hạn chế trong khi khối lượng công việc lớn nên quá trình xét duyệt hồ sơ tại cơ quan này cũng có những chậm trễ nhất định”, vị Phó tổng giám đốc trên nói.
Bên cạnh đó, thực tế việc ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro 20%/năm giá trị nợ xấu đã bán cho VAMC cũng khiến lợi nhuận ngân hàng bị giảm mạnh, nên không ít ngân hàng không mấy mặn mà bán nợ xấu.
Ngoài ra, theo Tổng giám đốc một ngân hàng, xử lý nợ xấu chậm còn có một nguyên nhân nữa là, việc thu hồi tài sản của ngân hàng, đặc biệt là tài sản liên quan đến các vụ án, cũng như việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý liên quan đến xử lý nợ, tài sản bảo đảm vẫn còn nhiều rào cản.
Trên thực tế, các TCTD vẫn tiếp tục cơ cấu lại nợ nhằm hỗ trợ khách hàng giảm bớt áp lực tài chính và phục hồi sản xuất - kinh doanh, tuy nhiên, điều kiện cơ cấu lại nợ đã được thắt chặt hơn theo quy định của Thông tư 09/2014/TT-NHNN. Tính đến cuối tháng 4/2015, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là xấp xỉ 310 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 1 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 12/2014.
“Trong 6 tháng đầu năm, nợ xấu của ngân hàng đã tăng hơn 9 nghìn tỷ đồng và một trong những nguyên nhân chính là Quyết định 780 hết hiệu lực, món nợ ‘nhảy’ nhóm, khiến nợ xấu bị dồn ứ”, lãnh đạo một ngân hàng cho biết.
Có lẽ, với những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, những bất cập về pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm chậm được tháo gỡ, sản xuất - kinh doanh và thị trường bất động sản phục hồi chậm, năng lực của VAMC còn hạn chế…, nợ xấu vẫn là mối đe dọa, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD.