Một cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội.
Ngày 17/10, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hoàn thành báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV (khai mạc ngày 20/10 tới).
Báo cáo nêu rõ, cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự nghiêm túc và trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc trả lời và giải quyết kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ ba đến nay. Hầu hết kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã được tiếp thu, xem xét để trả lời hoặc chỉ đạo giải quyết có hiệu quả thiết thực.
Trong phát triển kinh tế, cử tri ghi nhận nhiều điểm sáng, song vẫn còn băn khoăn, lo lắng về thực tế đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, thu hút vốn FDI chưa được như kỳ vọng, hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui và giải thể còn cao.
Báo cáo phản ánh, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững, những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới; học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa tăng.
"Cử tri và Nhân dân rất băn khoăn, lo lắng công tác điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu như do mức chiết khấu thấp người kinh doanh xăng dầu không có lãi nên đóng cửa hàng làm đảo lộn, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân và sản xuất ở một số địa phương", cơ quan xây dựng báo cáo cho biết.
Về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và Nhân dân đánh giá cao công tác hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và bày tỏ sự đồng tình ủng hộ, đánh giá rất cao việc kiên quyết xử lý theo kỷ luật Đảng và kỷ luật Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân vi phạm trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương.
Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo rất quyết liệt việc điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân; xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao trong các vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại công ty Việt Á, vụ án “đưa và nhận hối lộ” khi tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch Covid-19; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu trái pháp luật” ở một số tập đoàn như tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vụ việc trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ sở đào tạo khác...
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có mặt còn hạn chế, nhất là giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức.
Cử tri nhận xét, cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét.
Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn khó khăn; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa cao.