Xử lý nghẽn lệnh sàn HOSE: Chuyện phải lên Thủ tướng vì Ủy ban bàn giải pháp "trong phòng kín"?

Xử lý nghẽn lệnh sàn HOSE: Chuyện phải lên Thủ tướng vì Ủy ban bàn giải pháp "trong phòng kín"?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuối cùng câu chuyện xử lý ghẽn lệnh, quá tải của hệ thống giao dịch sàn chứng khoán TP.HCM đã được lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết lớn là FPT, Vietjet kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ trong cuộc Đối thoại 2045 cuối tuần trước, với mong muốn các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận, tham gia vào quá trình đề xuất, lựa chọn, thực hiện giải pháp đảm bảo giao dịch thông suốt cho sàn TP.HCM.

Bao trùm lên thị trường chứng khoán trước cuộc Đối thoại 2045 của Thủ tướng và doanh nghiệp là cảm giác bế tắc, khó tìm được một giải pháp vẹn toàn xử lý nghẽn lệnh cho sàn TP.HCM, thậm chí là khả năng chấp nhận hy sinh quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ đánh đổi sự an toàn của hệ thống, cho đến khi hệ thống giao dịch mới của Hàn Quốc được vận hành.

Bức xúc của các nhà đầu tư và chính doanh nghiệp niêm yết đã khiến một câu chuyện cụ thể là xử lý nghẽn lệnh đã phải đưa ra kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh các vấn đề lớn hơn nhiều liên quan đến thể chế, cơ chế chính sách để đất nước và doanh nghiệp phát triển trong một tầm nhìn 2045 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Đề xuất từ lãnh đạo FPT và Vietjet đã được đưa ra bằng những giải pháp khá cụ thể.

Ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hệ thống thông tin FPT đưa ra hai giải pháp. Đầu tiên là rà soát phần mềm hiện tại để xử lý kỹ thuật; cách thứ hai là triển khai hệ thống thay thế tạm thời cho đến khi Hệ thống chính thức của KRX vận hành chính thức. Thời gian hoàn thành dự kiến khoảng 3 tháng.

Trong khi đó với kinh nghiệm xây dựng hệ thống công nghệ phục vụ hãng hàng không Vietjet, bà Nguyễn Phương Thảo cũng đưa ra mốc thời gian cụ thể là 2 tháng và 60 tỷ đồng để xử lý vấn đề nghẽn lệnh của sàn chứng khoán.

Cách tiếp cận của giới chuyên môn, có kinh nghiệm trúng ở một điểm, vấn đề công nghệ trước tiên được xử lý bằng giải pháp công nghệ.

Cách tiếp cận này khác hẳn với các giải pháp mà HOSE đã thực hiện và đưa ra thăm dò ý kiến trên thị trường, chủ yếu tập trung vào các giải pháp về giao dịch, là nâng lô giao dịch tối thiếu lên 1.000 cổ phiếu hay chuyển chứng khoán sang niêm yết nhờ trên sàn Hà Nội như Ủy ban chứng khoán chỉ đạo khảo sát gấp.

Vấn đề này cũng đã được Báo Đầu tư Chứng khoán đặt câu hỏi gửi đến HOSE vào ngày 3/3/2021, rằng “Xin HOSE chia sẻ, các giải pháp công nghệ nào đã và đang nghiên cứu áp dụng để xử lý quá tải năng lực hệ thống. HOSE có mời các đơn vị giỏi về công nghệ đến nghiên cứu hỗ trợ giải pháp xử lý hoặc nhờ sự hỗ trợ giải pháp công nghệ của SET hay không và kết quả ra sao? SET có hỗ trợ được chúng ta nâng năng lực của hệ thống (mở cổng nhận lệnh) lên gấp đôi, gấp rưỡi được không?” (SET là Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan hỗ trợ tặng phần mềm giao dịch đang vận hành trên HOSE hiện nay).

Nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ trả lời nào về vấn đề này cũng như trả lời các câu hỏi khác liên quan đến xử lý nghẽn lệnh!

Những con số khó hiểu...

Trong khi đó trên thị trường tình trạng nghẽn lệnh đơ bảng điện diễn ra không theo quy luật nào vẫn tiếp diễn, khiến thị trường nhận ra rằng cái lý do giới hạn lệnh như HOSE giải trình không thuyết phục.

Theo HOSE, hệ thống giao dịch có công suất thiết kế là 900.000 lệnh, tự động dành 20% cho lệnh dự phòng, 80% còn lại chia cho công ty chứng khoán theo 2 vòng.

Vòng 1, chia đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh (các công ty chứng khoán đều được chia như nhau, kể cả công ty đã dừng hoạt động).

Vòng 2, dung lượng lệnh sẽ được chia theo tỷ trọng lấy số lệnh vào hệ thống bình quân từ 30 ngày gần nhất của từng công ty để làm căn cứ chia lệnh vào mới. Việc phân bổ số lượng lệnh dựa trên dữ liệu sử dụng thực tế nhằm ngăn chặn được sự gia tăng đột biến về số lượng lệnh xuất phát từ lỗi hệ thống của một công ty chứng khoán nào đó, có thể gây sập hệ thống của Sở.

Có thể nói đây là biện pháp tự bảo vệ của hệ thống, và trong tình huống hiện nay đã có hiệu quả tốt. Nếu hệ thống tiếp tục nhận lệnh vượt quá năng lực, kết quả giao dịch sẽ không còn tính chính xác và hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc một số CTCK bị nghẽn lệnh.

Khi HOSE đưa ra lý giải này thì thị trường thường nghẽn vào phiên chiều sau khi thanh khoản tiệp cận chừng 14.000 tỷ đồng. Nhưng sau đó, lệnh nghẽn không theo quy luật.

Ngay phiên sang 8/3/2021 mới nhất, lệnh nghẽn ngay khi chỉ số VNIndex tăng từ 1.168 lên 1.183 điểm, thanh khoản mới ở khoảng 7.800 tỷ đồng. Khi thị trường tăng, nhưng khối lượng giao dịch không đủ lớn vì lệnh nghẽn không vào được, khiến chỉ số quay đầu giảm điểm.

Ngày 9/3, lại nghẽn lệnh từ 13h30 khi thanh khoản hơn 10.000 tỷ đồng. Như vậy hệ thống lỗi ngay cả khi thanh khoản còn thấp.

Năng lực xử lý lệnh của hệ thống HOSE là con số cứng 900.000 trong khi sàn Hà Nội đưa ra khoảng từ 20 triệu đến 30 triệu lệnh. Như vậy khả năng cơi nới năng lực xử lý lệnh hoàn toàn có thể. Nhưng điều này làm được hay không chưa có câu trả lời từ Ủy ban chứng khoán hay HOSE dựa trên đánh giá từ giới công nghệ trong nước và đơn vị hỗ trợ công nghệ từ Thái Lan.

Nhà đầu tư cảm thấy thông tin đưa ra không thuyết phục và cần có ý kiến của một bên thứ 3 có chuyên môn thẩm định lại.

... và sự im lặng lạ thường!

Ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính ngân hàng, người cũng tham gia vào thị trường chứng khoán nhận xét: “Các giải pháp nêu ra chắp vá nên miễn bình luận, chỉ khi nào HOSE công bố trách nhiệm và nhận định rõ nguyên nhân chính của nghẽn sàn, thì các giải pháp tiếp theo (ngắn hạn, trung hạn) mới được phân tích tiếp”.

Dư luận đặt nhiều áp lực lên HOSE nhưng mọi quyết định của HOSE đều cần sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán và thời điểm này chỉ đạo càng sát hơn.

Những thông tin bên lề cho thấy, không phải HOSE mà Ủy ban chứng khoán Nhà nước mới là tổng hành dinh để bàn về các giải pháp xử lý khắc phục tình nghẽn lệnh, đơ bảng điện của sàn TP.HCM. Nhưng cơ quan này kiệm lời trước những bức xúc, những trăn trở của thị trường trong khi vẫn truyền đi những giải pháp xử lý đơn lẻ thông qua hai sở giao dịch.

Giá như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo công khai thông tin nhiều hơn, làm rõ đối tác ở Thái Lan có hợp tác hỗ trợ xử lý lỗi hệ thống hay không, có gặp khó khăn khi sang hỗ trợ vì Covid 19 hay không để nếu cần thiết nhờ sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao của các cơ quan có thẩm quyền cao hơn. Nếu không được thì các chuyên gia công nghệ trong nước có thể được mời đến đánh giá và tư vấn giải pháp...

Giá như những việc này được làm sớm hơn chứ không phải chờ khi các doanh nghiệp gặp Thủ tướng để xin được tham gia hỗ trợ xử lý nghẽn lệnh thì có thể giải pháp xử lý nghẽn lệnh đã khác và không gây bức xúc như vậy.

Thanh khoản thị trường chứng khoán tăng đột biến gây quá tải hệ thống đúng là khó tiên lượng trước nhưng không phải lý do để đổ lỗi, vì có là gì khi so sánh với đại dịch Covid 19, hoàn toàn không thể dự đoán được.

Chính phủ với tinh thần trách nhiệm cao, không chủ quan đã thực hiện thành công các biện pháp phòng chống dịch thành công đi đôi với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Thế nhưng tinh thần sáng tạo vượt khó, ứng phó với rủi ro, biến cố khủng hoảng này đã không được lan tỏa phát huy trong ngành chứng khoán, ở thời điểm này.

Tin bài liên quan