Thêm vụ chuyển đơn tố cáo lên C03
Thông tin từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, vào ngày 5/1/2023, cơ quan này nhận được đơn tố cáo của chị Nguyễn Hồng Anh (ở Hà Nội) phản ánh nhân viên Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank (đại lý của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam) thông qua việc giới thiệu tư vấn bảo hiểm đã có hành vi tư vấn sai lệch, đánh tráo khái niệm nhằm mục đích ký kết hợp đồng bảo hiểm, gây thiệt hại, qua đó đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý sai phạm theo quy định. Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, Cục đã chuyển đơn của công dân đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) để xem xét, giải quyết.
Theo đơn tố cáo, giữa tháng 10/2021, chị được nhân viên Phòng giao dịch Tây Hà Nội của TPBank gửi tin nhắn thông báo giới thiệu ngân hàng này có chương trình “tiết kiệm lãi suất tốt”. Sau đó, chị đến gặp nhân viên của TPBank ký hợp đồng chuyển 100 triệu đồng. Đến giữa tháng 9/2022, do gặp trục trặc trong việc gửi tiền, chị mở lại hợp đồng cũ tìm hiểu thì mới biết đây là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chứ không phải hợp đồng gửi tiền tiết kiệm và trong quá trình ký hợp đồng, chị không được nhân viên ngân hàng thông tin đây là bảo hiểm nhân thọ, không được tư vấn nếu năm 2 không đóng tiếp sẽ bị mất toàn bộ số tiền của năm trước.
Thông tin về vụ việc, TPBank và Sun Life Việt Nam cho biết, công ty bảo hiểm đã liên hệ với chị Hồng Anh xác nhận việc tham gia sản phẩm bảo hiểm và giải đáp thắc mắc trong thời gian cân nhắc.
Sau nhiều trao đổi qua lại, đến ngày 4/3/2023, hai bên là chị Hồng Anh và Sun Life Việt Nam đã hòa giải và thống nhất rằng, khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng đã có sự hiểu lầm về sản phẩm bảo hiểm dẫn đến thắc mắc, khiếu nại. Vì lý do cá nhân dẫn đến mục đích giao kết hợp đồng không còn, khách hàng này đã đề nghị chấm dứt hợp đồng và phía Sun Life Việt Nam đã đồng ý, đồng thời hỗ trợ khách hàng khoản tiền hơn 88 triệu đồng. Sau đó, khách hàng rút đơn khiếu nại, tố cáo đã gửi đến các cơ quan chức năng trước đó.
Đại diện Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt cho biết, đang tiếp nhận nhiều vụ việc khiếu kiện, tố cáo từ phía khách hàng về việc gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng nhưng bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và sẽ hỗ trợ 4 khách hàng gửi thẳng đơn tố cáo lên C03 mà không qua Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, trong đó có 2 khách hàng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Trong năm 2021 và 2022, có nhiều trường hợp khách hàng rơi vào tình trạng tương tự đã gửi đơn phản ánh lên Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm và đây là lần thứ 2 cơ quan này chuyển đơn sang C03, sau vụ việc đầu tiên diễn ra tại SCB. Trước đó, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm chủ yếu chuyển đơn về doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu báo cáo.
Vị đại diện trên cũng cho biết, Tinh Hoa Việt sẽ chọn lọc những vụ việc mà khách hàng có căn cứ chứng minh bên bán bảo hiểm sai phạm, chứ không phải vụ nào cũng nhận vì trên thực tế, có những trường hợp khách hàng không bị lừa mua bảo hiểm, mà chỉ tranh thủ “đục nước béo cò” (thấy có khách hàng đòi được tiền thành công nên cũng đi kiện, trong khi đã biết đây là sản phẩm bảo hiểm nhưng vì ham lãi suất cao nên vẫn cố theo).
Theo giới chuyên gia, sau những lùm xùm liên quan tới kênh này thời gian qua, đã đến lúc công ty bảo hiểm cần thay đổi cách thức hợp tác với ngân hàng trong việc bán bảo hiểm để tránh các sai phạm, nhầm lẫn không đáng có, qua đó giúp thị trường bảo hiểm hoạt động ổn định, lành mạnh hơn.
Dù khách hàng đã rút đơn khiếu nại khép lại vụ việc, nhưng cơ quan công an vẫn có quyền điều tra những hành vi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gian dối của các đối tượng bị tố cáo…
Đối với các vụ việc đã rút đơn tố cáo, luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, động thái này giúp cho thông tin tố cáo bớt bị lan truyền trên mạng xã hội, cơ quan nhận được đơn tố cáo sẽ không phải trả lời đối tượng được tố cáo về quá trình bán hàng của bên bán có sai phạm hay không, hay chỉ là nhầm lẫn. Từ đây, cơ quan nhận được đơn tố cáo sẽ có căn cứ trả lời cơ quan công an. Dù khách hàng đã rút đơn khiếu nại khép lại vụ việc, nhưng cơ quan công an vẫn có quyền điều tra những hành vi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gian dối của các đối tượng bị tố cáo…
Theo các chuyên gia pháp lý, lỗi phổ biến trong các vụ việc bán bảo hiểm qua ngân hàng xuất phát từ việc đại lý đứng tên trên hợp đồng bảo hiểm không phải là người trực tiếp tư vấn cho khách hàng, đại lý bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người mua bảo hiểm (trong quá trình ký hợp đồng bảo hiểm, khách hàng không được tư vấn về số tiền tối đa tương đương phần trăm lương thực nhận của mình để đóng phí bảo hiểm), đại lý kê khai khống tiền lương của khách hàng để phù hợp với số tiền khách hàng định gửi tiết kiệm bị chuyển thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Về phía khách hàng, điểm hạn chế là thiếu thông tin, không am tường về bảo hiểm, không chủ động tìm hiểu thông tin trước khi đặt bút ký…
Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?
Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý, luật sư Đỗ Hồng Sơn cho hay, căn cứ quy định tại Khoản 4, Điều 2 - Quyết định số 1799/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm là kiểm tra và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam; hoạt động của các văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.
Do đó, bên tố cáo có quyền đề nghị Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cả nước tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh của công ty bảo hiểm trong việc tư vấn, chào bán sản phẩm bảo hiểm, cung cấp thông tin cho khách hàng không đúng quy định, đại lý tư vấn đánh tráo khái niệm để lừa dối khách hàng, nếu có sai phạm xử lý theo quy định pháp luật để răn đe, bảo vệ người mua bảo hiểm, giúp thị trường bảo hiểm trong sạch, lành mạnh.
Trường hợp ngân hàng sử dụng nhân viên tư vấn không có chứng chỉ đại lý bảo hiểm là vi phạm quy định pháp luật, gây thiệt hại cho khách hàng hoặc các sai phạm khác thì với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh - kiểm tra đối với ngân hàng bị khiếu nại, nếu thực sự có sai phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật để răn đe và ngăn chặn những hành vi sai phạm tương tự.