Doanh nghiệp lúng túng trong việc thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm mới

Doanh nghiệp lúng túng trong việc thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm mới

Xử lý “khoảng hở” pháp lý bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, nhưng cho tới nay, các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật vẫn chưa được ban hành, gây bối rối cho các doanh nghiệp bảo hiểm .

Nhiều bộ, cơ quan liên quan tham gia góp ý

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp ngày 15/3/2023 và Thông báo số 80/TB-VPCP ngày 17/3/2023 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã họp bàn trực tiếp với các bộ, cơ quan có liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023).

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định; tiếp thu, hoàn thiện những nội dung cần giải trình đối với Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ xung quanh vấn đề này.

Theo đó, Thứ trưởng Tuấn cho biết, tại Tờ trình Chính phủ số 01/TTr-BTC ngày 6/1/2023, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng cho phép Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023, nhưng do hiện tại đã là tháng 3/2023, nên để tránh “khoảng hở” pháp lý từ thời điểm 1/1/2023 đến nay, Bộ Tài chính trình Chính phủ một số nội dung: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực kể từ ngày ký (trừ một số quy định về cấp phép và chế độ tài chính nêu tại các mục 1 và 6, chương II của Nghị định có hiệu lực từ thời điểm 1/1/2023). Đồng thời, bổ sung quy định “các thỏa thuận, giao dịch, hành vi phát sinh sau ngày 1/1/2023 nhưng chưa được thực hiện trước ngày Nghị định có hiệu lực mà có nội dung khác với quy định tại Nghị định thì các bên thực hiện rà soát, chỉnh sửa để đáp ứng”.

Trước đó, một số bộ, cơ quan cũng có các ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định. Đơn cử, Bộ Tư pháp đề nghị làm rõ tính cần thiết và việc đảm bảo quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân trong trường hợp áp dụng Khoản 1, Điều 152 - Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Công an đề nghị rà soát lại tất cả các điều có quy định về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp, tránh trường hợp tản mạn ở nhiều điều khoản khác nhau trong dự thảo Nghị định như hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị rà lại những điều khoản, quy định nào chặt chẽ hơn quy định cũ thì loại bỏ, tránh tình trạng doanh nghiệp vi phạm ngay lập tức khi Nghị định có hiệu lực.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đề nghị có thời gian chuyển tiếp tối thiểu là 12 tháng đối với các quy định mới để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Và cuối cùng, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ như đã nêu ở trên.

Cần nói thêm rằng, về phạm vi điều chỉnh, liên quan đến phương án chuyển tiếp các điều còn hiệu lực tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Bộ Tư pháp cho biết, Khoản 2 và 3, Điều 156 - Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định một số điều, khoản chỉ phát sinh hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2028; trong khi một số điều, khoản của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung bằng một số điều tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 và năm 2019) có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2027. Thế nhưng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều được liệt kê tại Khoản 2, Điều 156 - Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, nên dự thảo Nghị định cần phải quy định chi tiết các điều khoản theo nhiệm vụ được giao.

Bởi thế, để phù hợp với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết” và phù hợp với Điều 156 - Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính rà soát, để quy định tách bạch, rõ ràng các điều khoản mà sẽ có hiệu lực sau thời điểm Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có hiệu lực. Đồng thời, liệt kê và làm rõ các trường hợp thuộc nhóm các quy định còn hiệu lực trong phạm vi được giao Chính phủ quy định chi tiết trong Tờ trình Chính phủ để có phương án chuyển tiếp phù hợp trong giới hạn Luật cho phép.

Chưa thể tự “xây” quy định về vốn trên cơ sở rủi ro

Để chuyển đổi hoàn toàn giám sát trên cơ sở rủi ro, việc có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về tính toán bảo hiểm, quản trị rủi ro, công nghệ thông tin là hết sức cần thiết và cần có lộ trình để thực hiện.

Thực tế, việc liệt kê một số điều khoản của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2028 cũng đã được Bộ Tài chính thực hiện, nên dự thảo Nghị định thi hành luật này chưa có các nội dung quy định chi tiết các điều trên. Do đó, một số quy định liên quan đến vốn pháp định, đầu tư vốn, khả năng thanh toán (biên khả năng thanh toán tối thiểu, biên khả năng thanh toán, nguy cơ mất khả năng thanh toán) và khôi phục khả năng thanh toán sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ngày 31/12/2027.

Về điều kiện đảm bảo nguồn nhân lực, tài chính để đảm bảo thi hành Nghị định, theo Bộ Tư pháp, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về việc xây dựng, vận hành, quản lý cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Những nội dung này có tác động và có thể phát sinh nguồn nhân lực, chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa có đánh giá về điều kiện bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính để bảo đảm thi hành Nghị định nên đề nghị Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ về nguồn nhân lực, tài chính... để làm căn cứ, cơ sở của việc đưa ra các điều kiện, tỷ lệ và hạn mức như tại dự thảo Nghị định.

Bộ Tài chính cho biết, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, quy định về vốn trên cơ sở rủi ro có hiệu lực từ ngày 1/1/2028 nên dự thảo chưa đưa quy định cho nội dung này vào dự thảo Nghị định. Hiện tại, Bộ đang phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nghiên cứu, xây dựng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro cho thị trường bảo hiểm Việt Nam. Dự kiến, mô hình này sẽ được thử nghiệm 2 lần trước khi xác định hệ số rủi ro chính thức. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn cũng sẽ tổ chức đào tạo cho các cán bộ của Bộ Tài chính để nắm rõ mô hình này.

Cơ quan này thừa nhận, hiện chưa có đủ năng lực để tự xây dựng quy định về vốn trên cơ sở rủi ro vì chưa có cán bộ có chuyên môn. Vì vậy, việc ban hành quy định chủ yếu dựa trên việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tư vấn của nước ngoài. Để chuyển đổi hoàn toàn giám sát trên cơ sở rủi ro, việc có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về tính toán bảo hiểm, quản trị rủi ro, công nghệ thông tin là hết sức cần thiết và cần có lộ trình để thực hiện.

Tin bài liên quan